Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bình đẳng giới không chỉ cần sự nỗ lực của phụ nữ

Hiếu Anh - 16:39, 05/01/2021

Hiện nay, trong xã hội không ít người vẫn định kiến cho rằng, bình đẳng giới là việc làm của phụ nữ. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi không ai có thể "vỗ tay khi chỉ có 1 bàn tay"...

Nhiều vùng DTTS vẫn còn định kiến giới nặng nề (Ảnh minh họa)
Nhiều vùng DTTS vẫn còn định kiến giới nặng nề (Ảnh minh họa)

Vẫn còn định kiến

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tháng 7/2020 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ, thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra. Tỉ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%; 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.

Điều đáng nói, một nửa phụ nữ được khảo sát lại chấp nhận việc chồng đánh vợ trong một số tình huống. Ví dụ việc người vợ "không chung thủy" (45%) hoặc "không chăm sóc con cái" (27%). Đồng thời , 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ nam giới, chứ không phải phụ nữ là người ra quyết định và là chủ gia đình. Những quan điểm này, được nhóm phụ nữ có trình độ học vấn thấp và phụ nữ sống ở khu vực miền núi, nông thôn nhiều hơn so với nhóm phụ nữ sống ở khu vực thành thị.

Chị Hoàng Thị Nhài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cho biết: Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình bình đẳng giới tới cơ sở, nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trên thực tế, khi hội phụ nữ hoặc cơ quan khác tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới, thì chỉ có phụ nữ tham gia. Nhiều hội viên tâm sự,  mặc dù họ đã được tập huấn về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ nhưng rất khó áp dụng vì sợ phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Còn chị Khổng Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, trên địa bàn huyện chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Mông… Đây là những vùng DTTS tồn tại định kiến giới một cách nặng nề, nhất là đối với phụ nữ. Trong khi đó, khi triển khai mô hình bình đẳng giới ở các cấp vẫn chủ yếu chỉ có phụ nữ tham gia.

Cần thu hút toàn xã hội tham gia

Để xóa bỏ định kiến về giới, cần phải có những giải pháp về tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cả đối tượng nam giới và nữ giới. Theo đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường: giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Đồng thời, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới, là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.

Cần khuyến khích đàn ông cùng tham gia công tác bình đẳng giới
Cần khuyến khích đàn ông cùng tham gia công tác bình đẳng giới

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam cho biết, để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo. Đặc biệt, công tác này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của phụ nữ mà quan trọng hơn là cần sự tham gia trực tiếp của đàn ông cũng như các các tổ chức chính trị xã hội.

Vì thế, chúng ta cần chú trọng tới tuyên truyền để thay đổi những nhận thức sai lầm về phụ nữ và đàn ông. Ở một số nước phát triển, bên cạnh việc tôn vinh người phụ nữ, truyền thông còn cổ vũ rất nhiều cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Chẳng hạn, những chương trình vào bếp cùng người nổi tiếng, những diễn đàn đưa người cha về với trái tim gia đình… là những chương trình được nhiều người yêu thích, ủng hộ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật…, thì việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông, cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.