Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Bao giờ dẹp được nạn vàng tặc?

PV - 10:36, 07/06/2019

Nạn khai thác vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tồn tại hàng chục năm qua. Mặc dù, chính quyền địa phương và ngành chức năng nỗ lực truy quét, xử lý; nhưng các đối tượng “vàng tặc” vẫn lén lút hoạt động, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 Dòng nước vàng đục do khai thác vàng được trái phép xả trực tiếp ra môi trường. Dòng nước vàng đục do khai thác vàng được trái phép xả trực tiếp ra môi trường.

Băm nát núi tìm vàng

Theo người dân địa phương, ở những khu vực núi cao như hố Bông, hố Cọp, hố Khế, hố Mai, hố Côm... thuộc hai thôn Kim Sơn và Hương Quang, xã Ân Nghĩa có rất nhiều vàng sa khoáng. Do vậy, hàng chục năm qua, nơi đây luôn là miền đất hứa của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Lúc cao điểm, có đến hàng trăm người lên núi đào đãi vàng nên địa phương này chưa một ngày bình yên.

Qua tìm hiểu, đa phần những đối tượng khai thác vàng trái phép là người dân xã Ân Nghĩa; họ thường lập thành nhóm từ 3-4 người, hùn vốn mua máy móc về đào, đãi vàng với hy vọng đổi đời. Số còn lại chủ yếu đến từ tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác. Những người này hoạt động rất chuyên nghiệp, quy mô lớn. Khu vực “vàng tặc” khai thác, đãi vàng đều bị xới tung tóe, đất đá ngổn ngang, sạt lở, cây cối xung quanh bị triệt hạ để tạo mặt bằng và lán trại. Hiện khu vực này có hàng chục hầm đất đào lên để tìm vàng với độ sâu hơn 40m, rất nguy hiểm.

Trong quá trình đào, đãi vàng, các đối tượng thải trực tiếp ra môi trường lượng lớn hóa chất và bùn đỏ. Chất độc hại tràn vào hồ chứa nước Đồng Quang, Hố Cọp, Hố Khế ở phía dưới các bãi vàng. Người dân địa phương sử dụng nguồn nước để tưới tiêu trồng trọt, chăn nuôi thì cây khô héo chết, vật nuôi bệnh tật kém sinh trưởng, phát triển.

Ông Phạm Văn Vinh, một người dân ở thôn Kim Sơn cho hay: “Vàng tặc” dùng thuốc nổ phá núi tìm vàng. Chúng phá đá, sau đó đãi vàng bằng phương pháp thủ công. Những hố đãi vàng thải ra nước gồm đất, bùn đỏ, hóa chất độc hại. Nguồn nước này chảy theo mương ra ngoài sông Kim Sơn, tác động xấu đến môi trường sinh thái và đời sống người dân.

“Việc khai thác vàng trái phép khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở phía dưới mỏ vàng thuộc khu vực núi Kim Sơn bị bùn, đất vùi lấp, ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt. Bùn đỏ từ các mỏ vàng còn chảy về khu dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến sức khỏe người dân”, ông Vinh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, việc đục khoét núi để đào đất, đá đãi vàng khiến nhiều khu vực triền núi cao bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Lượng đất, đá từ trên núi đổ xuống khu vực đồng ruộng thôn Kim Sơn, làm nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp. Chưa kể lượng bùn đỏ từ các mỏ khai thác vàng chảy xuống mương nước thôn Kim Sơn, khiến nước mương luôn có màu nâu vàng và bốc mùi khó chịu. Qua thời gian thấm xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến các giếng nước của người dân nên không thể dùng nước giếng để sinh hoạt. Họ phải mua nước bình để uống và nấu ăn.

Cần xử lý mạnh tay

Nước từ khai thác vàng trái phép chảy trong khu dân cư Nước từ  khai thác vàng trái phép chảy trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Hoạt động khai thác vàng trái phép tại Ân Nghĩa diễn ra hàng chục năm nay. Chính quyền địa phương cùng ngành chức năng thường xuyên truy quét, xử lý, tịch thu phương tiện, phá bỏ các lán trại. Thế nhưng việc này vẫn tái diễn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhiều lao động ở địa phương thiếu việc làm hoặc tranh thủ lúc nông nhàn vào núi đào, đãi vàng kiếm thu nhập. Trước kia các đối tượng đào vàng từ nhiều nơi khác đến, nhưng nay chủ yếu người dân địa phương. Tháng 02/2019, UBND xã lập kế hoạch truy quét, ngăn chặn, xử lý tình hình khai thác vàng trái pháp luật và mời các hộ dân lên cam kết, tuyên truyền, vận động họ không tái phạm nhưng một vài đối tượng vẫn đào vàng lén lút.

Còn theo ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Hoài Ân, Phòng TN-MT thường xuyên phối hợp với UBND xã Ân Nghĩa, lực lượng kiểm lâm, Công an huyện Hoài Ân tổ chức nhiều đợt truy quét, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng chỉ dừng ở việc tịch thu tang vật, tháo dỡ lán trại, hầm vàng; chưa xử lý những đối tượng thực hiện việc đào, đãi. Bởi những đối tượng này khá nhanh nhạy, thấy động là nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người”.

Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan quyết liệt ra quân xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa nói riêng, huyện Hoài Ân nói chung. Ngoài ra, chỉ đạo UBND xã Ân Nghĩa vận động các đối tượng hoạt động đào, đãi vàng là người dân địa phương để tuyên truyền, vận động họ không vì lợi ích trước mắt mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp các đối tượng cố tình vi phạm thì có chế tài xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, ông Rô cho biết thêm.

Có thể thấy, nạn khai thác vàng trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải ra quân truy quét thường xuyên, kiên quyết xử lý các đối tượng “đầu nậu” và người trực tiếp đào, đãi vàng trái phép.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.