Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Các dự án bất động sản ảnh hưởng sinh kế người dân

PV - 10:11, 01/03/2019

Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án đầu tư bất động sản có nguồn gốc từ đất trồng lúa mọc lên như nấm trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định). Trong đó, một số dự án chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chưa được kiểm tra, thẩm định nhưng chủ đầu tư đã rao bán đất nền dưới chiêu thức huy động góp vốn, đặt cọc, giữ chỗ.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Nam Phát triển khai đầu tư dự án Khu đô thị Bắc sông Tân An, tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Mặc dù, chủ đầu tư chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất nhưng đã rao bán đất nền.

Ruộng của người dân bị thu để làm dự án khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ruộng của người dân bị thu để làm dự án khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ theo quy định tại Điều 41, Nghị định 43/2013/NĐ-CP thì chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm, các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai. Theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định trước khi mở bán dự án bất động sản, chủ đầu tư phải có thông báo đến Sở Xây dựng của địa phương nơi đặt dự án và Sở Xây dựng kiểm tra, thẩm định và công nhận dự án đủ điều kiện bán, doanh nghiệp mới được phép bán. Nhưng tất cả các yếu tố trên, Công ty TNHH Nam Phát chưa thực hiện và thực hiện chưa hoàn tất.

Hiện nay, không chỉ có dự án Khu đô thị Bắc sông Tân An mà dự án Khu dân cư Đông Bàn Thành, phường Đập Đá cũng đang trong tình trạng tương tự. Đến thời điểm này, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư Đông Bàn Thành chưa xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã rao bán đất nền, cũng dưới chiêu thức huy động góp vốn từ nhiều tháng trước đó.

Cùng với hai dự án trên, thị xã An Nhơn đang tiến hành san lấp mặt bằng dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài về phía Đông và dự án Khu dịch vụ-thương mại-dân cư Bắc Cầu Tân An đều nằm ở phường Bình Định.

Điểm chung của 04 dự án này đều có nguồn gốc từ đất trồng lúa, diện tích vượt trên 10ha. Dự án Khu đô thị Bắc sông Tân An gần 14ha có vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng; dự án Khu dân cư Đông Bàn Thành, phường Đập Đá trên 10ha có vốn đầu tư 721 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài về phía Đông trên 29ha có vốn đầu tư 85,6 tỷ đồng; dự án Khu dịch vụ-thương mại-dân cư Bắc Cầu Tân An 37ha có 1.400 tỷ đồng.

Các dự án này chỉ bồi thường đất nông nghiệp cho người dân vài chục nghìn đồng/m2 nhưng sau khi san nền lại rao bán với giá hàng chục triệu đồng/m2, khiến người dân bức xúc. Một người dân ở khu vực bị thu hồi ruộng cho hay: “Ruộng mất, chúng tôi không có việc làm, trong khi đó chúng tôi chỉ nhận được số tiền đền bù ít ỏi nên không đủ đầu tư vào việc khác. Cuối cùng chịu thiệt vẫn là người dân”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết: Hồ sơ dự án Khu đô thị Bắc sông Tân An, dự án Khu dân cư Đông Bàn Thành, Sở đang tiến hành thẩm định. Sau khi hoàn thành đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, báo cáo lên UBND tỉnh tiến hành lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh mới xem xét tất cả các điều kiện đầy đủ trình Bộ Xây dựng xem xét rồi mới cho phép bán.

Dẫu biết với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nhu cầu nhà ở tăng cao nên việc phát triển các dự án bất động sản là cần thiết. Thế nhưng, chúng ta không thể đánh đổi quá nhiều để phát triển. Khi tiến hành các dự án bất động sản rất cần tính đến đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người dân mất đất. Do đó, thời gian tới đề nghị tỉnh Bình Định vào cuộc giải quyết những vấn đề gây bức xúc dư luận trên.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.