Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bình Định: Làng nghề truyền thống đổi mới để phát triển

PV - 15:00, 05/11/2018

Bình Định vốn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, có lịch sử hàng trăm năm, góp phần tạo nên bản sắc riêng của đất và người Bình Định như, rượu Bàu Đá, bánh ít lá gai, bánh tráng dừa tam quan... Vì nhiều lý do, một số làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Trước thực tế này, nhiều cơ sở làng nghề đã mạnh dạn đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đầu tư công nghệ để phát triển

An Nhơn được xem là “vùng đất trăm nghề” của tỉnh Bình Định nhưng qua thời gian, nhiều nghề truyền thống ở đây đã bị “xóa sổ” do không thích ứng được với cơ chế thị trường. Theo Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, địa phương hiện còn duy trì được 24 làng nghề được tỉnh công nhận và hầu hết đều phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Người dân Hoài Châu Bắc thu hoạch cói để làm chiếu. Người dân Hoài Châu Bắc thu hoạch cói để làm chiếu.

Dạo qua các làng nghề, chúng tôi nhận thấy, nhiều cơ sở, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như, các cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ ở xã Nhơn Hậu đã chuyển qua sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng, bàn, ghế trang trí, đồ thờ cúng… tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, không còn phụ thuộc thị trường nước ngoài như trước đây; hay như làng gốm Vân Sơn chuyển sang sản xuất các mặt hàng thông dụng như lò, siêu sắc thuốc… đầu ra sản phẩm tương đối ổn định.

Ngoài ra, nhiều hộ ở làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, đặc biệt là tại thị trường các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên.

Ông Bùi Tấn Chung, chủ cơ sở bánh tráng Hà Thẩm ở xóm Đông, thôn Trường Cửu cho biết: Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 38 triệu đồng, ông đầu tư thêm vốn để mua máy tráng bánh. Bình quân cơ sở tráng trên 1 tạ gạo/ngày, tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Hoài Nhơn cũng là địa phương có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng, nhưng nay chỉ còn 4 làng nghề được tỉnh công nhận gồm: Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói Hoài Châu Bắc (xã Hoài Châu Bắc); làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói Tam Quan Bắc (xã Tam Quan Bắc); làng nghề thảm xơ dừa và làng nghề bún số 8, bánh tráng các loại ở xã Tam Quan Nam cũng phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bà Đỗ Thị Bé, một người làm nghề chiếu cói lâu năm ở Hoài Châu Bắc cho hay: Trước đây, ở địa phương có đến hàng trăm hộ làm nghề chiếu cói nhưng chủ yếu làm thủ công, sản phẩm làm ra ít nên thu nhập không ổn định. Nay chỉ còn lại vài chục hộ giữ nghề, hầu hết đã đầu tư máy móc, sản phẩm làm ra nhiều nên thu nhập cũng khá hơn.

Cần thêm sự trợ lực

Tuy các làng nghề truyền thống ở Bình Định hiện nay đã có phát triển tốt, nhưng để phát triển bền vững, vẫn cần sự trợ lực từ các cấp, ngành. Ông Bùi Tấn Chung, chủ cơ sở bánh tráng Hà Thẩm, ở xóm Đông, thôn Trường Cửu chia sẻ: Sản phẩm của cơ sở đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, hiện cơ sở thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, việc không có sân phơi bánh cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất của làng nghề. Rất cần sự quan tâm đầu tư của địa phương.

Làng nghề bánh tráng Trường Cửu phát triển tốt nhưng hiện đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Làng nghề bánh tráng Trường Cửu phát triển tốt nhưng hiện đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất.

Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: “Địa phương cũng đã quy hoạch làng nghề tập trung gắn với phát triển du lịch, gồm: Làng nghề rượu Bàu Đá, làng nghề rèn Tây Phương Danh, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp. Thị xã đang tiến hành khảo sát, điều tra, rà soát các làng nghề truyền thống để đề nghị tỉnh công nhận và công nhận lại. Khôi phục lại một số làng nghề đang bị mai một, số hộ làm nghề còn ít nhưng sản phẩm vẫn có thể phát triển được trên thị trường. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện để các hộ vay vốn phát triển làng nghề.

Theo ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương): Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trung tâm đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đăng ký nhãn hiệu, xúc tiến thương mại… nhằm giúp các cơ sở sản xuất tại các làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tăng tính cạnh tranh, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.