Lễ dâng hoa tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất ThànhTham dự buổi lễ có: Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Lê Bình Thanh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Quy Nhơn.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã mặc niệm và thành kính dâng hoa trước Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhân dân Việt Nam và bậc sinh thành của Người.
Các đại biểu tham dự Lễ dâng hoaBình Định tự hào là nơi ghi lại dấu ấn về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) - thân sinh của Bác Hồ - làm Tri huyện tại Huyện đường Bình Khê ở Đồng Phó (nay là xã Tây Giang, huyện Tây Sơn); nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến và lưu lại. Bình Định cũng là nơi diễn ra cuộc “chia tay lịch sử” cha - con đầy trăn trở vận nước, thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Theo tài liệu lịch sử, tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thừa lệnh Triều đình Huế cử vào coi thi ở Bình Định. Nguyễn Tất Thành và anh là Nguyễn Tất Đạt cùng đi theo cha. Đến đầu tháng 7/1909, cụ Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) được chính thức bổ nhiệm chức Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Đến Bình Khê, Nguyễn Tất Đạt ở lại với cha, còn Nguyễn Tất Thành được gửi học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Tp. Quy Nhơn.
Các đại biểu dâng hoa trước Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí MinhTháng 3/1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc được triệu hồi về kinh đô Huế. Chia tay cha, Nguyễn Tất Thành ở lại Bình Định một thời gian để tiếp tục việc học tập. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín đã cùng thống nhất sau quê hương Nghệ An và Huế, thì Bình Định là địa phương còn lại trong nước mà Nguyễn Tất Thành có thời gian lưu lại lâu nhất.
Đặc biệt, Bình Định cũng là nơi duy nhất chứng kiến cuộc chia tay lịch sử đầy ý nghĩa của Nguyễn Tất Thành với cha mình trong những năm đầu của thế kỷ XX, để lên đường thực hiện hoài bão cao cả cứu dân, cứu nước, với lời dặn dò “Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ tìm cha”.
Sinh thời, cụ Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt) kể rằng đó là câu nói mà phụ thân Nguyễn Sinh Sắc đã dặn khi Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn lên thăm cha tại Bình Khê cuối năm 1909...
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước; thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thủy chung son sắt, sự biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.