Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Định: Nhiều hộ DTTS thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

PV - 21:24, 30/01/2018

Tỉnh Bình Định có 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, với các dân tộc Ba-na, Chăm, H’rê, Kinh cùng sinh sống. Những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc góp phần đổi thay đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.

Canh Hòa là xã vùng cao của huyện Vân Canh, nơi có tới 95% dân số là đồng bào DTTS. Trong làng, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang; nhiều ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng đã được xây dựng; bà con không những đã sắm được phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn mà còn sắm được máy móc để phát triển sản xuất.

Nhà rông làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh được xây dựng từ nguồn vốn 135. Nhà rông làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh được xây dựng từ nguồn vốn 135.

 

Ông Đinh Văn Hậu, một người dân ở làng Canh Lãnh, bộc bạch: Trước đây, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, sống chủ yếu dựa vào “lộc rừng”, chưa có ý thức cao trong việc phát triển kinh tế nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tình trạng thất học của trẻ em, mù chữ ở người lớn thường xuyên xảy ra… Từ khi Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, bà con đã dần thay đổi tư duy, thay đổi tập quán sản xuất, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất tạo nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, làng mình có nhiều hộ thu nhập cả trăm triệu đồng từ tiền bán keo lai, bán mì. Nhà mình cũng vậy, nên đã xây được ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng.

Tương tự như Canh Hòa, cách đây chừng năm năm về trước, đời sống của bà con xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng hôm nay trở lại, chạy xe máy bon bon trên những con đường được thảm bê tông nhựa nối dài đến các bản làng. Nhìn những ngôi nhà mới được mọc lên, từng đàn bò thong dong gặm cỏ bên những cánh rừng nguyên liệu xanh ngắt, chúng tôi biết Vĩnh Hòa đã từng bước xóa đi hình ảnh của một xã đặc biệt khó khăn, tiến lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Là xã tái định cư được thành lập từ năm 2005, phần lớn diện tích của Vĩnh Hòa là đất đồi rừng, giao thông đi lại khó khăn, cách trở... Để giúp Vĩnh Hòa có được nền tảng cơ sở đi lên, trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tạo nhiều điều kiện để xã phát huy nội lực, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, nhờ thế việc đi lại dễ dàng hơn. Tiếp đến là hệ thống điện, trường học, trạm y tế… cũng lần lượt mọc lên phục vụ đời sống của bà con.

Ông Đinh Kho, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Nhờ sự trợ giúp của các cấp, ngành, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi trồng các loại cây con phù hợp với năng lực sản xuất của mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ như sử dụng giống mới trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông chuyển sang nuôi nhốt tập trung… Từ đó, đồng bào dân tộc Ba-na đã dần thay đổi tư duy nhận thức, quen dần với cuộc sống định canh, định cư, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có ý thức cao trong việc vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Nhờ vậy bà con nông dân đã tích lũy được kinh nghiệm và nuôi trồng có hiệu quả. Nhiều người đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Vinh, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Để có được những đổi thay đáng mừng trên, nhiều năm qua cơ quan làm công tác dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dành cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hàng loạt các Chương trình như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới… đã tạo được nguồn lực tổng hợp để phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với sự chung sức của cán bộ và người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo nên một diện mạo mới, từng bước đẩy lùi đói nghèo.

Đó là những tín hiệu vui, báo hiệu về một tương lai phát triển mạnh mẽ của các huyện miền núi nơi đây.

LÊ PHƯƠNG