Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ
Bù Gia Mập là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Phước với hơn 73% số hộ là đồng bào DTTS. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây ngày một cải thiện, nâng cao.
Ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, mấy năm trước, vợ chồng ông Điểu Lý thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2020, gia đình ông được cấp 5.000m2 đất cùng căn nhà ở theo chương trình tái định canh, định cư cho đồng bào DTTS của huyện. Đến cuối năm 2021, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường và vốn phát triển sản xuất. Nhờ chịu khó, nỗ lực lao động, giờ đây gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.
Cũng giống như hộ gia đình ông Điểu Lý, do thiếu đất sản xuất nên vợ chồng chị Điểu Thị BRú, cùng trú thôn Đắk Á phải ở trong căn nhà xập xệ, cuộc sống khó khăn, bữa đói bữa no. Năm 2020, gia đình chị được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ xây căn nhà và 1 cặp bò giống. Có nhà ở ổn định, vợ chồng chị chịu khó làm thuê, tích cóp được ít vốn mở tiệm tạp hóa nhỏ bên đường. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.
Riêng trong năm 2023, từ các nguồn lực xã Bù Gia Mập đã triển khai hỗ trợ 672 nhu cầu cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 15,5 tỷ đồng. Trong đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh hỗ trợ 70 hộ với 422 nhu cầu, tổng kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo của huyện hỗ trợ 35 hộ với 230 nhu cầu, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và nhà ở cho 48 hộ theo chương trình hỗ trợ tái định canh, định cư hộ đồng bào DTTS, tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến hết năm 2023, xã Bù Gia Mập đã giảm 105 hộ nghèo, hiện chỉ còn 127 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo.
“Mặc dù có những khó khăn chung, nhưng công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới tỉnh Bình Phước luôn phải phấn đấu thực hiện hiệu quả, nhất là chương trình giảm 1000 hộ nghèo và chương trình MTQG 1719, để đảm bảo cho các chính sách, các sự trợ giúp đến đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng tiêu chí và theo đúng quy định của pháp luật”.
Bà Trần Tuyết MinhPhó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
Tại huyện Bù Đăng, năm 2023, gia đình chị Điểu Thị Dai ở thôn Đắk La, xã Đắk Nhau được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, giếng nước và cặp bò giống, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước. Nhờ đó, cuối năm 2023, gia đình chị Dai đã thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, trong năm 2023 đã có 963 nhu cầu sinh kế, phát triển sản xuất cộng đồng được triển khai. Chính quyền huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 440 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với hơn 43,5 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ đồng bộ của chương trình, năm 2023, huyện Bù Đăng có 502 hộ DTTS thoát nghèo.
Động lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia
“Điểm nhấn” quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Phước năm 2023 là tỉnh đã triển khai thực hiện lồng ghép chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Trong năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là trên 309 tỷ đồng; trong đó, nguồn đầu tư phát triển trên 221,9 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp trên 87,5tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn đã giúp 1.344 hộ DTTS vươn lên thoát nghèo, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, ông Phùng Hiệp Quốc cho biết: Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ các hộ thoát nghèo, trong năm 2023, tỉnh Bình Phước đã tập trung xây dựng các mô hình để đa dạng hóa sinh kế, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình như, ngành lao động - thương binh và xã hội đã xây dựng 19 mô hình chăn nuôi với tổng 25,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung ương hỗ trợ; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng 19 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, gồm 14 dự án sản xuất cộng đồng, 5 dự án phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, tạo dấu ấn đậm nét trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh năm 2023… Đến nay, nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ thực tế cho thấy, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thì ý thức tự vươn lên của người dân đóng vai trò quyết định thay đổi cuộc sống gia đình. Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, chính sách dân tộc, sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo vùng DTTS của tỉnh Bình Phước sẽ ngày càng thay đổi tích cực.
Đánh giá về hiệu quả trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: “Mặc dù có những khó khăn chung, nhưng công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới tỉnh Bình Phước luôn phải phấn đấu thực hiện hiệu quả, nhất là chương trình giảm 1000 hộ nghèo và Chương trình MTQG 1719, để đảm bảo cho các chính sách, các sự trợ giúp đến đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng tiêu chí và theo đúng quy định của pháp luật”.
Năm 2023, Bình Phước tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững theo nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Bình Phước hiện còn khoảng 1.121 hộ nghèo, chiếm 0,40% tổng số hộ dân, trong đó 574 hộ nghèo DTTS, chiếm 51,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.