Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ

Thanh Huyền - 15:18, 28/03/2025

Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ngày 28/3.


Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho biết: Chính phủ sẽ đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; mong muốn Bộ Dân tộc và Tôn giáo nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong năm 2025, góp phần vào tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế lực cho giai đoạn mới
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho biết: Chính phủ sẽ đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; mong muốn Bộ Dân tộc và Tôn giáo nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong năm 2025, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế lực cho giai đoạn mới


Tham dự cuộc làm việc có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr; các đồng chí Thứ trưởng: Nông Thị Hà, Nguyễn Hải Trung; Thủ trưởng các vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Bắt tay ngay vào kiện toàn tổ chức bộ máy

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho biết: Năm 2025 là năm cuối để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; với quyết tâm thực hiện tăng trưởng từ 8% trở lên; năm thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn.

Với tinh thần nắm bắt tình hình công việc, Phó Thủ tướng mong muốn lắng nghe và chia sẻ một số công việc trọng tâm thời gian tới, làm thế nào để Bộ Dân tộc và Tôn giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr đã báo cáo về cơ cấu tổ chức, biên chế; kết quả sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Dân tộc và Tôn giáo sau khi thành lập. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; quá trình thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường thực hiện công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện tinh gọn, tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc, trực thuộc.

Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Nghị định số 41/2025/NĐ-CP ngày 26/2/2025 cuả Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ. Trên cơ sở phương án thành lập Bộ và tình hình thực hiện, Bộ đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong, thực hiện sáp nhập, giải thể các tổ chức có chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, kết quả giảm 03 tổ chức cấp vụ và tương đương (đạt 17,6%), giảm 04 tổ chức cấp phòng (đạt 36,3%). Bộ trưởng đã ban hành các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 01/3/2025 và kiện toàn cơ cấu, tổ chức, bộ máy các đơn vị trực thuộc Bộ.

Sau sắp xếp, hoạt động của Bộ được triển khai bình thường, không để xảy ra ách tắc công việc; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả xử lý công việc từng bước được nâng lên.

Các địa phương đã tập trung thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo thống kê sơ bộ, hiện tại có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo, đạt tỷ lệ 73%; có 17/63 tỉnh, thành phố thành lập đơn vị cấp phòng và tương đương thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trực thuộc Sở, ngành, đạt 27%.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi...

Về tình hình, kết quả công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo quý I, lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, kết luận... của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi những việc, nội dung được giao; sai thì phải sửa, thiếu thì bổ sung, khó thì phải gỡ”, vì vậy hệ thống cơ quan Dân tộc và Tôn giáo từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác, đảm bảo sự hoạt động bình thường, liên tục, không gián đoạn, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước việc đề xuất các cơ chế, chính sách về lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo cần bổ sung, sửa đổi trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khẩn trương tham mưu trình Bộ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm công việc, không để tình trạng chậm xử lý công việc do sắp xếp bộ máy. Tăng cường công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có đồng bào tôn giáo, đảm bảo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời đến được với người dân. Đồng bào các dân tộc, tín đồ công giáo luôn tin tưởng, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động trong việc phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tích cực lao động, sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Các chính sách, chương trình, dự án, nhất là chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, tạo sự phấn khởi và niềm tin trong Nhân dân nói chung và đồng bào DTTS, đồng bào các tôn giáo nói riêng, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào các dân tộc, tôn giáo cơ bản ổn định; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ vững, tình đoàn kết các dân tộc, tôn giáo tiếp tục được củng cố. Đồng bào các dân tộc, tôn giáo chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; an tâm lao động, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Kết quả bước đầu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, chính sách dân tộc khác tác động lên nhiều mặt đời sống của đồng bào DTTS và vùng DTTS và miền núi, đã tạo điều kiện cho kinh tế -xã hội của vùng từng bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.

ộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Sau khi thành lập, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, “không câu giờ” với sự quyết tâm cao nhất
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Sau khi thành lập, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, “không câu giờ” với sự quyết tâm cao nhất


Quyết liệt thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025

Năm 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; trọng tâm là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Chương trình MTQG 1719; Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát... gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng các đề án được giao trong Chương trình công tác năm 2025 của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Rà soát, đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời sửa đổi hoặc tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi theo định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 2013 (mô hình chính quyền địa phương chỉ còn 02 cấp, bỏ cấp huyện). Các vấn đề lớn bao gồm: Sửa đổi Luật Tôn giáo, tín ngưỡng; Nghị định về công tác dân tộc, tôn giáo; Quyết định về danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các văn bản liên quan đến Chương trình MTQG 1719 và các chính sách dân tộc, tôn giáo khác để đồng bộ, thống nhất với quy định, chính sách mới.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025, đặc biệt là vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQG 1719; các chương trình, chính sách về dân tộc, tôn giáo và các dự án đầu tư do Bộ Dân tộc và Tôn giáo trực tiếp quản lý; phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025.

Tiếp tục quyết liệt thực hiện nghiêm túc hiệu quả công tác tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức. Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội; làm tốt các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, công tác cán bộ, cải cách hành chính, thống kê; công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường công tác nắm tình hình vùng đồng bào DTTS miền núi, vùng đồng bào tôn giáo…

Về công tác chuẩn bị Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho thấy: Dự kiến Đại lễ được tổ chức từ ngày 6-8/5/2025. Công tác chuẩn bị sẽ được tổ chức chu đáo. Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội, năm 2014 tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và năm 2019 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam).

Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025 là dịp để các Phật tử trên thế giới cùng nhau tưởng niệm ngày Đức Phật đản sinh, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết với bạn bè năm châu trên thế giới. Đại lễ cũng là dịp để giới thiệu những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và hữu nghị. Thông qua việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025 tại Việt Nam góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết với bạn bè quốc tế và khẳng định với cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết: Sau khi thành lập, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ, “không câu giờ” với sự quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, Bộ đã quyết liệt, nhanh chóng triển khai công tác cán bộ, tổ chức sắp xếp bộ máy.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, ngày 31/3 tới đây, Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; đồng thời Bộ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc với các địa phương về nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo. Đây là những Hội nghị quan trọng để nâng cao nhận thức, lan tỏa, thực thi hiệu quả chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đồng bào DTTS chiếm trên 14% dân số cả nước. Bộ sẽ quyết tâm thực hiện tốt chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu đảm bảo các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

Đối với đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cũng là quốc gia đa tôn giáo, với 5 tôn giáo lớn; tín đồ tôn giáo chiếm 27% dân số cả nước. Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc…đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo. Mục tiêu lớn nhất là phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, với tinh thần không đánh đổi công bằng xã hội lấy mục tiêu tăng trưởng.

Nhấn mạnh những kết quả đạt được của công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trăn trở về những khó khăn, hạn chế, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Về chiến lược dài hơi, Bộ sẽ nghiên cứu tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong kỷ nguyên mới; đồng thời, nghiên cứu sâu hơn, tham mưu những vấn đề chiến lược về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi không chỉ là vấn đề văn hóa, tôn giáo còn là nguồn lực của đất nước.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đang rất quyết liệt  triển khai các nhiệm vụ, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719. Đây là chính sách lớn, thể hiện tính nhân văn, sự quan sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, tập trung vào vùng lõi nghèo của cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chủ trì làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chủ trì làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo


Bộ trưởng mong muốn Phó Thủ tướng quan tâm Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn mới, để phù hợp hơn với thực tiễn, khắc phục được những bất cập thời gian qua.

“Việt Nam đã rất thành công, đạt nhiều kỳ tích trong công tác giảm nghèo, trở thành điểm sáng, được thế giới công nhận. Tiếp nối thành công của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, triển khai Chương trình MTQG 1719 sẽ giải quyết tận gốc vấn đề nghèo đói, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng khác như: Đề án xác định thành phần, tên gọi các dân tộc; đề xuất tiêu chí địa bàn thôn, xã đặc biệt khó khăn; phối hợp kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ bộ máy làm công tác dân tộc và tôn giáo ở cơ sở, đảm bảo sự liên thông, thống nhất…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ sự quyết liệt vào cuộc của cơ quan thường trực trong việc chủ trì, tham mưu, phối hợp, thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra…việc hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, quyết tâm về đích trước thời hạn 3 tháng. Đây là Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dấu mốc lịch sử của đất nước.

Về việc phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2025 tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ làm tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn, chu đáo, trọng thị…tạo sức lan tỏa, có ý nghĩa lớn lao đối với quốc gia, dân tộc.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ 

Qua báo cáo tại cuộc làm việc, đặc biệt là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua và cho rằng, Bộ đã vào cuộc quyết liệt triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy.

“Kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các đề án, chương trình, Chương trình MTQG 1719, giải ngân vốn đầu tư công; xóa nhà tạm, nhà dột nát… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS; công tác tôn giáo, tín ngưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn vướng mắc của Bộ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng các đề án được giao trong Chương trình công tác năm 2025, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Rà soát, đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kịp thời sửa đổi hoặc tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi theo định.

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo; không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đồng bào tôn giáo. Kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăc, vướng mắc trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo tại địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 tại Việt Nam, Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ công tác tổ chức, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo đảm được ý nghĩa của sự kiện.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, chính sách về dân tộc, tôn giáo.

Về các kiến nghị của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Thủ tướng đồng tình và cho biết Chính phủ sẽ đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Tôi mong muốn Bộ Dân tộc và Tôn giáo nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong năm 2025, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế lực cho giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính mong muốn. 


Tin cùng chuyên mục
Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

Tổng Bí thư Tô Lâm viếng đồng chí Khamtay Siphandone

Ngày 3/4, được tin đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ trần, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu Đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng đồng chí Khamtay Siphandone.