Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả thực hiện năm 2023 và quý I/2024 của ngành Nông nghiệp và tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) tăng 3,17% (kế hoạch tăng từ 3,0 - 3,2%); trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp) tăng 4,19%, lâm nghiệp tăng 0,82%, thủy sản tăng 2,15%. Quý I/2024, ước tăng 3,36%; trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp) tăng 4,06%, lâm nghiệp tăng 0,90%, thủy sản tăng 2,5%.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đang quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản, lâm sản, thủy sản… góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp. Tỉnh cũng tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tích nước tại các hồ chứa gắn với phương án điều tiết nước tưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là trong mùa khô hạn.
Đối với công tác chống khai thác IUU, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.
Để góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU; chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5. Trong đó, tỉnh tập trung tổ chức tốt công tác quản lý đội tàu; thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tập trung nguồn lực bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, đối với diện tích đất lâm nghiệp đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để phát triển trồng cây ăn quả, hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững thì không phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trường hợp yêu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì được miễn trồng rừng thay thế. Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân; hỗ trợ tỉnh khai thác tiềm năng và thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển trên địa bàn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của tỉnh Bình Định trong chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU. “IUU là câu chuyện của đất nước. Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh nhằm xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU; đồng thời, ban hành các chủ trương, chính sách, đề án để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, tránh khai thác tận diệt. Cùng với đó, các địa phương cũng phải chung tay, đồng lòng để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Định cần tổ chức tốt công tác quản lý đội tàu; thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU. Hiện nay,đa số bà con ngư dân Bình Định tuân thủ tốt các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn Luật cũng như triển khai các giải pháp chống IUU, tuy nhiên vẫn có “con sâu” đang làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung của bà con ngư dân. Vì vậy, tỉnh Bình Định phải sớm tìm ra “con sâu” đó và giải quyết dứt điểm tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”.