Thung lũng Omo ở Ethiopia là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Phi nhờ sự đa dạng văn hóa của hơn 20 bộ lạc cùng chung đường biên giới. Một trong số đó là bộ lạc Mursi, cộng đồng du mục chiếm giữ vùng đất giữa sông Mago và Omo, nổi tiếng với những phụ nữ khoét môi gắn đĩa đánh dấu sự trưởng thành. Nhiều du khách tới đây để được tận mắt chứng kiến bộ lạc khoét môi đeo đĩa.
Theo tục lệ của người Mursi, khoảng tầm 12-13 tuổi, các cô gái sẽ được những người thân giúp đỡ khoét môi, kéo dài môi dưới sao cho có thể đặt được một chiếc đĩa vào. Đầu tiên, họ rạch ra môt phần ở môi dưới và đeo vào đó một chốt bằng gỗ. Trong vài tuần sau đó, vết thương sẽ lành lại và cái chốt được thay bằng một cái to hơn. Quá trình kéo rộng này cứ tiếp tục với những cái chốt lớn dần lên.
Khi cái lỗ ở môi dưới đã đủ rộng, cô gái sẽ phải đeo chiếc đĩa gỗ hay đất sét đầu tiên, có đường kính khoảng 4cm. Trong vòng 1 năm, nhiều chiếc đĩa to dần sẽ được thay thế vào và người phụ nữ được quyền quyết định họ muốn đeo đĩa rộng đến đâu.
Chiếc đĩa cuối cùng có thể có đường kính từ 8 đến 20cm và một số người phụ nữ thậm chí phải đập bớt răng dưới để lấy chỗ cho những chiếc đĩa.
Những chiếc đĩa bằng đất sét, được gọi là dhebinya, được làm đơn chiếc và được trang trí nhiều họa tiết khác nhau. Chiếc đĩa cuối cùng mà một người phụ nữ đeo có thể là màu trắng, nhuộm đỏ hoặc đen. Những cô gái chưa chồng sẽ đeo đĩa bằng gỗ gọi là kiyo.
Những phụ nữ đã có chồng phải đeo đĩa khi phục vụ đồ ăn cho chồng và trong những nghi lễ quan trọng như đám cưới, các trận chiến đấu…
Khi người chồng mất đi, chiếc đĩa sẽ bị vứt đi. Chiếc lỗ ở trên môi người phụ nữ được cho là có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cả bộ tộc: Sức khỏe của đàn gia súc, số phận của con cái…
Mặc dù rất đau đớn nhưng những người phụ nữ Mursi đều mong muốn được đeo đĩa, bởi họ coi đó là tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Người nào đeo được chiếc đĩa càng to thì càng đẹp và nhà gái sẽ nhận được càng nhiều bò từ nhà trai khi kết hôn.
Người Mursi còn có truyền thống sơn cơ thể của họ bằng cách sử dụng đất sét và đá vôi trắng. Lớp sơn trên da không chỉ mang tính chất trang điểm, mà còn mang tính biểu tượng xua đuổi tà ma, đe dọa kẻ thù và thu hút người khác phái. Người Mursi dùng đất sét bôi da, bởi đất có tác dụng chống nắng, còn đá vôi trắng có tác dụng chống côn trùng. Trước đây, khi không có gương soi, người Mursi thường vẽ chân dung cho nhau để biết được hình dáng khuôn mặt mình.
Kể từ khi Vườn quốc gia Omo được thành lập vào năm 1960, cuộc sống của bộ tộc Mursi có nhiều thay đổi hơn nhờ giao thông được cải thiện. Nơi sinh sống của người Mursi thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Nhờ đó, người Mursi có thêm thu nhập để mua các đồ dùng thiết yếu như vải, thuốc, cà phê, gia vị và nông cụ. Ngày nay, một số phụ nữ Mursi trẻ tuổi không còn theo tục lệ đeo đĩa tròn trên môi. Tuy nhiên, một bộ phận phụ nữ Mursi vẫn đeo đĩa môi và coi tục lệ này là một phần di sản của bộ tộc, cũng như trở thành bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.