Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bộ tộc nổi tiếng với nghề nuôi tuần lộc

PV - 14:09, 23/05/2018

Bộ tộc Sami sống rải rác ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga. Lối sống của người Sami hiện nay không có nhiều thay đổi so với trước.

Lối sống gắn bó với thiên nhiên

Các thế hệ đi sau vẫn tiếp nối sống gần gũi, tôn trọng thiên nhiên. Với họ, con người và tự nhiên là một. Thế giới tự nhiên là nhà, là lối sống, là quá khứ và tương lai. Sự yên ổn tốt tươi của con người, cũng như của thiên nhiên, phụ thuộc trực tiếp vào tính cân bằng giữa hai bên. Xem môi trường xung quanh là một phần của cơ thể mình, người Sami quan niệm sức mạnh của thiên nhiên cũng là sức mạnh của mình. Nếu làm mất thế cân bằng con người-thiên nhiên, hoặc làm tổn hại đến môi trường, thì sức mạnh của con người cũng bị suy giảm. Do đó, thế giới xung quanh rất được tôn trọng và bảo vệ toàn vẹn. Người Sami, khi thật cần thiết, chỉ khai thác tối thiểu tài nguyên thiên nhiên, vừa đủ cho nhu cầu.

Người Sami thường mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ. Người Sami thường mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ.

 

Quan niệm đó cũng phản ánh trong thế giới quan của họ. Thần thánh của người Sami xưa là linh hồn của giới tự nhiên: thần sấm, thần gió, thần nước, thần săn bắn. Đa số nghi lễ của họ liên quan đến kế sinh nhai. Họ quan niệm thế gian chia làm ba phần: cõi âm của người chết và ma quỷ, cõi giữa là người và cõi trên dành cho các vị thần. Thầy phù thủy, nhân vật quyền lực với sứ mệnh thúc đẩy cộng đồng giàu mạnh-liên hệ với cõi trên bằng nghi thức lên đồng. Khi tiến hành nghi lễ, phù thủy ca hát, nhảy múa, với sự yểm trợ của trống. Trống Sami làm bằng gỗ, trên mặt bọc da tuần lộc, vẽ những hình ảnh đơn giản tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, sao, lửa, cây cối, con người, tuần lộc, cá…

Chăn nuôi tuần lộc

Theo truyền thống, người Sami sống bằng nghề đánh bắt cá ven biển, bẫy động vật, và chăn nuôi. Trong đó, phương thức sinh kế được biết đến nhiều nhất của họ là chăn nuôi tuần lộc.

Đối với các gia đình Sami, tuần lộc là nguồn thu nhập quan trọng nhất, cuộc sống du mục của họ gắn bó với đời sống của những con tuần lộc, đắm mình trong cuộc sống hòa quyện với thiên nhiên.

Theo lịch của người Sami, một năm được chia ra làm tám mùa giống như vòng đời của tuần lộc. Trước khi chăn nuôi tuần lộc, người Sami săn bắn loài thú này. Thịt tuần lộc làm thức ăn và đem buôn bán, lông và sừng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ.

Bộ tộc Sami nổi tiếng với nghề nuôi tuần lộc. Bộ tộc Sami nổi tiếng với nghề nuôi tuần lộc.

 

Vào độ cuối đông, hàng ngàn con trong đàn tuần lộc sẽ được người Sami dẫn đường di cư đến những vùng đất có điều kiện sinh sống tốt hơn. Cuộc di cư của đàn tuần lộc là một cuộc hành trình lớn, phải mất đến hai tháng mới hoàn thành. Và trên đường đi, đàn tuần lộc được chăm sóc tốt với cỏ khô và nước uống đầy đủ. Người Sami rất yêu quý những con tuần lộc và coi đây là tài sản quý. Văn hóa chăn nuôi gia súc của người Sami vẫn hòa hợp với tự nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cuộc sống hiện đại cũng tác động ít nhiều tới người Sami. Không giống như trước họ cũng đã dùng các đồ hiện đại. Nhưng bù lại, số lượng người trẻ quan tâm tới văn hóa truyền thống lại đang tăng lên nhanh chóng. Họ gìn giữ ngôn ngữ, dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn chương, thơ ca.

Quốc khánh Sami được tổ chức vào ngày 6/2 hằng năm để kỷ niệm Hội nghị Sami đầu tiên, năm 1917 tại Trondheim, Na Uy. Đây là lần đầu tiên người Sami từ các nước khác nhau cùng tụ họp để bàn về những vấn đề chung mà tộc người này phải đối mặt. Tuy phải chịu đựng những chính sách đồng hóa và hội nhập nhưng người Sami vẫn giữ được truyền thống cũng như văn hóa của mình. Đây là một trong những bộ tộc đoàn kết có nét đặc trưng rất riêng trên thế giới.

NGUYỄN LÊ