Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời nhiều vấn đề liên quan đến các dự án đường cao tốc

Hoàng Quý - 20:03, 06/11/2023

Chiều 06/11, tiếp tục trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực kinh tế ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc triển khai các tuyến đường cao tốc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc về trạm thu phí dự án BOT

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này?

Trả lời phần chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này.

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài 8 dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý. Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, hiện nay Bộ Giao thông đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn…

Bộ Giao thông đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ khó khăn ở 8 dự án BOT.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn

Giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa?

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, với việc cùng một lúc phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, thời gian hoàn thành mục tiêu 3000 km cao tốc đã rất gấp rút và cận kề vào năm 2025 thì điều mà cử tri băn khoăn, lo lắng là chất lượng của các công trình giao thông.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa, gây thất thoát lớn, lãng phí như tuyến Đà Nẵng Quảng Ngãi, Hà Nội, Lào Cai… trong thời gian vừa qua?

Về ý kiến đại biểu liên quan đến chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng khẳng định có nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế. Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong đó có khó khăn về tài chính. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần được giải quyết nhanh nhất. Bộ chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các công trình giao thông.

Quang cảnh phiên chất vấn
Quang cảnh phiên chất vấn

Giải pháp thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP (Dự án Đầu tư theo hình thức đối tác công tư)

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với phương châm tập trung phát triển hạ tầng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, liên kết vùng và địa phương.

Trong thời gian qua, công trình, dự án lớn với phương thức đầu tư công tư (PPP) của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập. Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng thuần vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 đến 30 năm đối với với từng dự án PPP.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt?

Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề thu hút các dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết từ khi có Luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp thì về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vấn đề lớn quan ngại là giải phóng mặt bằng, thường các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kì họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỉ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.