Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm việc với Học viện Dân tộc

Hoàng Quý - 14:23, 10/07/2023

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chủ trì làm việc với Học viện Dân tộc về thực hiện Chiến lược đào tạo công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc (UBDT).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh kết luận cuộc họp

Theo báo cáo của Học viện Dân tộc, nội dung Chiến lược đào tạo công tác dân tộc giai đoạn 2022 - 2025 tập trung vào các nội dung chính sau:

Về đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ: Xây dựng phương thức tuyển sinh, kế hoạch đào tạo và thu hút học sinh học tại Học viện Dân tộc, chỉ tiêu 35 - 50 sinh viên/ngành/năm. Xây dựng Đề án mở từ 5 - 7 ngành đào tạo trình độ đại học, từ 1 - 2 ngành thạc sĩ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo được giao tại Tiểu dự án 5.2 thuộc Chương trình MTQG 1719, chỉ tiêu 35 - 50 sinh viên/ngành/năm. Tổ chức liên kết đào tạo trình độ đại học trong nước và quốc tế, đào tạo văn bằng 2 và dạy nghề cho vùng DTTS, chỉ tiêu 30 - 50 sinh viên/ngành/năm…

Về bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống cơ quan công tác dân tộc theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ, mỗi năm 1 - 2 lớp. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Tiểu dự án 5.2 thuộc Chương trình MTQG 1719, mỗi năm 80 - 100 lớp.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” theo Quyết định 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 01/06/2018 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào - Campuchia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, mỗi năm 1 - 2 lớp…

Thực hiện Chiến lược đào tạo công tác dân tộc, giai đoạn 2022 - 2023, Học viện Dân tộc đã mở 1 mã ngành trình độ đại học (ngành Kinh tế giáo dục vùng DTTS); đã lập Đề án mở 4 ngành đào tạo trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Quy mô tuyển sinh: Năm 2021 tuyển sinh khóa 1 với 28 sinh viên; năm 2022 tuyển sinh khóa 2 với 15 sinh viên; năm 2023 đang tuyển sinh khóa 3 với 50 chỉ tiêu. Đã biên soạn 5 cuốn giáo trình (Cộng đồng các DTTS Việt Nam, Chính sách dân tộc, Nhân lực DTTS, Công tác đân tộc); đã biên soạn 19 đề cương Giáo trình đặc thù trong Chương trình đào tạo trình độ đại học.

Học viện Dân tộc đã biên soạn Tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 với 6 chuyên đề giảng dạy.

Đồng thời, Học viện Dân tộc đã phối hợp với địa phương tổ chức 162 lớp bồi dưỡng kiến thức DTTS thuộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức 84 lớp/53 tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi tập huấn giảng viên, báo cáo viên thuộc các bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Về kế hoạch thực hiện Chiến lược đào tạo công tác dân tộc giai đoạn 2023 - 2025, Học viện Dân tộc sẽ tập trung mở thêm 3 - 4 mã ngành trình độ đại học, 1 ngành trình độ thạc sĩ phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực vùng DTTS và miền núi. Quy mô tuyển sinh hàng năm từ 50 sinh viên/ngành/năm, 10 - 15 học viên cao học/ngành.

Hoàn thiện 20 - 25 cuốn giáo trình phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Biên soạn mới Chương trình và Tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc nhóm đối tượng 3, đối tượng 4. Tổ chức biên soạn Tài liệu tham khảo của Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4.

Tổ chức tập huấn giảng dạy kiến thức dân tộc cho giảng viên, báo cáo viên khoảng 20 lớp/năm theo Chương trình MTQG 1719. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, đối tượng 4 từ 80 - 100 lớp/năm theo Chương trình MTQG 1719. Tổ chức biên soạn Tài liệu bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp bằng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 trong Chương trình MTQG 1719.

Về Dự án Chuyển đổi số và Cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo giai đoạn 2023 - 2025, Học viện Dân tộc được giao chủ trì tham mưu thực hiện: Dự án cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; xây dựng cơ sở dữ liệu Từ điển Dân tộc; dự án kho minh chứng điện tử trong bảo đảm chất lượng của Học viện Dân tộc; Cơ sở dữ liệu đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đại học, quản lý sinh viên, quản lý học viên; cơ sở dữ liệu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0; dDự án Quản trị Học viện Dân tộc theo mô hình quản trị thông minh; Dự án Học liệu số trong bồi dưỡng kiến thức dân tộc và dậy tiếng DTTS.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo Chiến lược đào tạo công tác dân tộc của Học viện Dân tộc giai đoạn 2022 - 2025. Một số đại biểu đã đưa ra ý kiến, góp ý xoay quanh các nội dung: Công tác tuyển sinh; đào tạo tiếng DTTS trong học viện; xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; nâng cao công tác phối hợp với các vụ, đơn vị và địa phương…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những kết quả công tác của tập thể Học viện Dân tộc trong thời gian qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, các điều kiện thực hiện nhiệm vụ còn có những hạn chế nhất định nhưng tập thể Học viện Dân tộc bảo đảm thực hiện có chất lượng và hiệu quả.

Để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị Ban Giám đốc Học viên Dân tộc tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế; triển khai thực hiện hiệu quả, làm chuyển biến mạnh mẽ về công tác giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với từng đối tượng; nâng cao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý.

Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho rằng Học viện Dân tộc sớm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiện toàn bộ máy lãnh đạo; rà soát, sắp xếp phân công công việc có lộ trình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn; tập trung vào công tác bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cao năng lực, kinh nghiệm; thực hiện nghiêm túc văn hóa, văn minh trong cơ sở giáo dục; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong nhà trường…