Tại buổi làm việc, bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết sự cố xảy ra vào ngày 30/4, đến 18h thì một số người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Đến sáng 1/5, có khoảng 30 - 40 trường hợp nhập viện theo dõi, điều trị. Ngay trong ngày, Trung tâm Y tế TP. Long Khánh đã tổ chức đoàn xuống điều tra, ghi nhận một số vấn đề liên quan và yêu cầu tiệm bánh mì ngừng hoạt động lúc 11h ngày 1/5, đồng thời báo cáo Sở Y tế.
Đến chiều 1/5, số lượng bệnh nhân nghi ngộ độc đã tăng lên hơn 70 ca. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập tổ xuống điều tra, giám sát hoạt động cơ sở.
Theo kết quả làm việc của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tiệm bánh mì Cô Băng buôn bán tại nhà, có xe bánh mì. Trung bình mỗi ngày bán hơn 1.000 ổ bánh mì. Còn theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến trưa 3/5, đã có tổng cộng 487 ca vào các bệnh viện ở Đồng Nai cấp cứu sau khi ăn bánh mì thịt. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 451 ca, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận 24 ca và Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa tiếp nhận 12 ca.
Riêng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vẫn đang điều trị cho 12 bệnh nhi được chuyển viện từ tuyến dưới. Trong số 12 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 2 ca tiên lượng rất nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu. Ngoài ra, có 2 ca khác tiên lượng nặng, các ca còn lại đang theo dõi sát.
Trong khi đó, hơn 300 ca đang điều trị ở các bệnh viện còn lại đang tạm ổn, chưa có tình huống trở nặng xảy ra. Ngoài ra, 1 bệnh nhi liên quan vụ ngộ độc được người nhà đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh HCM điều trị với chẩn đoán viêm ruột - tiêu chảy cấp có mất nước nghi do vi trùng - nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hùng Long cho biết, việc điều tra, tìm cách xử lý là cần thiết nhưng quan trọng nhất là cứu chữa, đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Đồng thời đề nghị Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh huy động y bác sĩ, bổ sung thuốc men điều trị cho hơn 300 bệnh nhân tại bệnh viện, nhất là trong điều kiện bệnh viện phải mở thêm đơn vị cấp cứu do quá tải.
Do số lượng bệnh nhân vẫn tăng thêm, phó cục trưởng đề nghị Sở Y tế cảnh báo người dân đã ăn bánh mì của tiệm Cô Băng trong hai ngày 30/4 và 1/5 nếu có triệu chứng thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời. Tránh tình trạng trở nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Cô Băng không có giấy phép kinh doanh nhưng bà Nguyễn Thị Khánh Băng (chủ tiệm) đã sử dụng giấy phép kinh doanh cấp cho chị N.T.N.P. (con gái bà Băng, đã đi nước ngoài) có địa chỉ ở nơi khác. Bà Băng cho biết vẫn đóng thuế đầy đủ hằng tháng, chỉ đổi địa chỉ và nghĩ có giấy phép kinh doanh là được. Tiệm bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan lợn, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt lợn, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương) phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt/ngày.
Ngoài ra, cơ sở cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa cao-su Đồng Nai tiếp nhận tổng số 222 bệnh nhân vào viện cấp cứu, với các triệu chứng: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng do ăn bánh mì. Bước đầu xác định, tất cả các bệnh nhân đều có ăn bánh mì thịt của tiệm bánh mì trên đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, trong khoảng thời gian từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 30/4. Sau đó, khoảng 4 đến 8 giờ thì xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi cầu phân lỏng, sốt… Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà và nhập viện vào sáng 1/5.