Động lực từ chính sách
Những hiệu quả, đóng góp của đội ngũ nữ cán bộ DTTS đối với sự phát triển của địa phương là minh chứng cho việc ở các vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu về cơ bản đã thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương. Tỉnh cũng đã ban hành văn bản cụ thể hóa mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về công tác cán bộ DTTS nói chung, nữ cán bộ DTTS nói riêng.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/03/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã thể hiện những quan điểm chỉ đạo đặc biệt quan tâm tới đội ngũ cán bộ DTTS nói chung, trong đó có nữ cán bộ DTTS. Mục tiêu đạt tỷ lệ cán bộ nữ khoảng 10%, đến năm 2030 là 15%.
Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác xây dựng đội ngũ nữ cán bộ người DTTS. Cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới tại các địa phương biên giới, vùng khó khăn của Lai Châu, thông qua nhiều hình thức. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, “hiểu đúng, làm đúng” của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới tại vùng DTTS. Từ đó xác định rõ vị trí, vai trò của cán bộ nữ người DTTS trong hệ thống chính trị, xóa bỏ các rào cản tác động đến việc trao quyền cho phụ nữ và cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.
Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để tạo nguồn cán bộ nữ người DTTS chất lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng cần gắn với bố trí, sử dụng và phát huy đội ngũ cán bộ nữ DTTS ở địa phương. Công tác quy hoạch gắn liền với bồi dưỡng cán bộ. Các khâu trong công tác cán bộ nữ DTTS cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.
Chị Lý Thị Hiền, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Khi bắt đầu làm cán bộ văn hóa thể thao xã (ngày đó chưa gọi là công chức xã), mình mới học hết phổ thông, chưa có chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng các chú ở xã rất quan tâm, định hướng, động viên, tạo điều kiện cho đi học. Chính sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền xã đối với cán bộ trẻ đã tạo động lực cho những người như mình vừa đi học nâng cao, hoàn thiện trình độ, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà nhân dân giao phó”.
15 năm, chị Lý Thị Hiền đã cống hiến cho Nậm Manh từ khi xã thành lập đến nay. Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị không nề hà, luôn cố gắng để góp phần xây dựng xã ngày càng vững mạnh. Việc có chính sách ưu tiên trong bố trí kinh phí, thời gian cho cán bộ nữ DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng đã tạo động lực cho phụ nữ DTTS nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ nếu được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về các chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS sẽ giúp các địa phương linh hoạt hơn. Bên cạnh các điều kiện, tiêu chuẩn chung về công tác cán bộ, để tạo nguồn nhân sự nữ DTTS trong hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là ở các vùng biên giới, khó khăn ở Lai Châu, cần có có cơ chế đặc thù để tuyển dụng, thu hút cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên người DTTS.
Các vùng biên giới, khó khăn cần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới nhằm thu hẹp dần khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong việc thể hiện vai trò, trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị và đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp. Nội dung Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” thể hiện chính sách quan tâm của Chính phủ đối với nữ DTTS trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả những chính sách để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo đảm các điều kiện về kinh tế, văn hóa - xã hội cũng là một yếu tố then chốt tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và nữ cán bộ DTTS phát huy vai trò của mình trong việc tham gia các hoạt động chính trị. Ngoài các ưu đãi về chế độ tiền lương, đãi ngộ, khu vực, phụ nữ, cán bộ là người các DTTS tại Lai Châu được thụ hưởng các đề án nhằm phát triển kinh tế-xã hội như: Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”, Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Lự, Si La trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2025, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số ít người giai đoạn 2016-2025…
Từ những động lực đó, bản thân nữ cán bộ DTTS càng có điều kiện để khẳng định vị thế, vai trò của mình, nêu cao tinh thần tự chủ, khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện để trưởng thành, trở thành tấm gương sáng, nhân tố điển hình, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng các DTTS.
Tạo sự chuyển biến về chất
Thực tiễn cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ DTTS tham chính ở đa số vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu vẫn vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về vị trí đảm nhận, chất lượng chưa đồng đều.
Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” được ban hành kèm theo Quyết định 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030; Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Thực tiễn các vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu đã và đang cố gắng để đạt được quy định về số lượng và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo là nữ người DTTS phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương cần xây dựng dự báo và chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ. Để đảm bảo tỉ lệ này ở vùng biên giới, khó khăn, trong tương lai có thể cần có những giải pháp phù hợp. Ngoài cơ chế ưu tiên trong việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch thì có thể tính đến phương án luân chuyển cán bộ nữ người DTTS. Việc đào tạo cử tuyển theo vị trí việc làm hoặc đưa các sinh viên nữ DTTS tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp về rèn luyện trong thực tiễn ở cấp xã để bổ sung cán bộ làm công tác dân tộc tại địa phương cũng là một đề xuất giải pháp giúp tăng tỉ lệ và đảm bảo chất lượng công tác cán bộ nữ DTTS.
Trao đổi với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu, bà Khoàng Thị Thanh Nga khẳng định: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn quan tâm tới công tác bồi dưỡng, tập huấn cho phụ nữ, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, đặc biệt là nữ cán bộ Hội người DTTS vùng khó khăn biên giới Lai Châu. Qua đó, giúp củng cố, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội phụ nữ và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…
Theo bà Khoàng Thị Thanh Nga, các cấp chính quyền cần có thêm các chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, cán bộ là nữ người DTTS, đặc biệt ở các vùng biên giới, khó khăn.
Việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ. Việc chăm lo cho phụ nữ nói chung, nữ cán bộ DTTS nói riêng tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò người cán bộ “công bộc của nhân dân” trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh đảm bảo tỉ lệ và số lượng, việc nâng cao chất lượng của nữ cán bộ vùng DTTS ở Lai Châu cũng là yếu tố then chốt quan trọng. Công tác cán bộ phải phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các nữ cán bộ vào sự phát triển của địa phương.
Dù còn những tồn tại, hạn chế nhưng về cơ bản công tác nữ cán bộ DTTS ở vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu đã đạt được những kết quả nhất định. Điều đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh nhà triển khai có hiệu quả hơn các chính sách về cán bộ DTTS nói chung, cán bộ nữ DTTS nói riêng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong toàn tỉnh, đặc biệt là vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu.