Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ nữ DTTS tại Lai Châu: Còn nhiều thách thức (Bài 2)

Thùy Giang - 22:42, 30/10/2022

Nhờ công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ nữ người DTTS được quan tâm cùng sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ DTTS, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ người DTTS ở Lai Châu đã được nâng lên về số lượng và chất lượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, so với thực tiễn, công tác bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ DTTS vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn có nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là tại vùng khó khăn, biên giới.

 Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) Giàng Thị Mỷ hướng dẫn nghiệp vụ tại phòng một cửa để thực hiện nhanh gọn cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) Giàng Thị Mỷ hướng dẫn nghiệp vụ tại phòng một cửa để thực hiện nhanh gọn cho người dân.

Tỷ lệ cán bộ nữ DTTS thấp, chất lượng chưa đồng đều

Trung ương đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế, hướng dẫn kịp thời, khá toàn diện về cán bộ, công tác cán bộ và về chính sách đối với người DTTS, cán bộ DTTS nói chung và nữ cán bộ DTTS nói riêng. Tỉnh ủy Lai Châu, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, ban hành văn bản cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ DTTS.

Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị ở vùng biên giới, khó khăn còn thấp. Theo số liệu thống kê cuối năm 2021 của Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh Lai Châu có 15/297 lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh là nữ DTTS (chiếm 5%), có 18/243 lãnh đạo chính quyền cấp huyện là nữ DTTS (chiếm 7,4%), có 29/398 lãnh đạo chính quyền cấp xã là nữ DTTS (chiếm 7,2%). So với số lượng nam giới DTTS, thì tỉ lệ nữ lãnh đạo DTTS còn thấp hơn nhiều, đặc biệt ở cấp xã có 29/316 là lãnh đạo nữ DTTS (chiếm 9,2%). Tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt cấp xã còn thấp (7,65%).

Tại huyện Mường Tè, tính đến tháng 7/2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là nữ DTTS của huyện là 610 đồng chí/1.982 (chiếm 30.8%). Trong đó, tổng số cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý khối Đảng, đoàn thể, khối Nhà nước và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 25 đồng chí (chiếm 1.3%). Cán bộ nữ DTTS tham gia cấp ủy cấp huyện là 6/40 đồng chí (chiếm 15%), cấp cơ sở là 50/323 đồng chí (chiếm 15.5%).

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Hiển, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Mường Tè (Lai Châu) cho biết: “Từ năm 2005 trở về trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS của huyện rất khó khăn. Từ 2005 trở về đây, dù tỉ lệ cán bộ nữ DTTS đã được nâng lên, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Về cơ bản, tỉ lệ nữ cán bộ DTTS chưa tương xứng với tỉ lệ dân số là nữ, dân số người DTTS, một số chưa đáp ứng được yêu cầu và còn khó khăn trong phân công một số vị trí công tác”.

Đối với một số huyện, xã mới thành lập, công tác cán bộ, nhất là bố trí nữ cán bộ DTTS càng khó khăn. Chị Lý Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Từ khi thành lập xã Nậm Manh (tách ra từ xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè), trong giai đoạn đầu, công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ nữ không có nhân sự để bố trí. Với tiêu chuẩn cán bộ là đảng viên, có trình độ văn hóa 12/12, chuyên môn từ trung cấp trở lên thì ở một xã mới như Nậm Manh nguồn nhân lực là rất khó khăn”.

Chị Đinh Thị Thoai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ phát triển kinh tế-xã hội.
Chị Đinh Thị Thoai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm gần đây, trình độ dân trí của học sinh nữ, phụ nữ ở vùng biên giới, vùng khó khăn Lai Châu đã được nâng lên. Nhiều em đã học hết lớp 12, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng tại các trường chuyên nghiệp. Nhưng điều bất cập là không ít học sinh, sinh viên đi học trở về địa phương nhưng không trúng tuyển tại các kì thi tuyển dụng các chức danh, đặc biệt là công chức cấp xã. Điều nghịch lý là nhân lực từ địa phương thì có nhưng công tác quy hoạch nữ cán bộ lại luôn thiếu nguồn. Do vậy, tỉ lệ nữ cán bộ DTTS vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng so với quy định.

Đồng chí Vũ Tiến Hoá, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS tại huyện còn bất cập, phân bố không đồng đều giữa một số dân tộc cư trú trên địa bàn huyện. Một số dân tộc đặc biệt khó khăn như Cống, Mảng,... còn rất hạn chế về nguồn để phát triển cán bộ nữ”.

Xuất phát từ những hạn chế về trình độ học vấn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, khó khăn vùng miền nên có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng của đội ngũ cán bộ nữ người DTTS. Chất lượng cán bộ nữ DTTS chưa đồng đều giữa các dân tộc, giữa các vùng miền.

Những rào cản 

Công tác nữ cán bộ DTTS đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều rào cản mang tính khách quan và chủ quan. Điều kiện kinh tế - văn hóa và xã hội ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa của Lai Châu dù đã có khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Sự đói nghèo kéo theo xuất phát điểm thấp về nhiều mặt.

Trước đây, nhiều trẻ em gái, nhất là ở một số dân tộc đặc biệt khó khăn không được đi học. Chị Pờ Hồng Vân (dân tộc Si La) chia sẻ với chúng tôi: “Thời điểm công bố quyết định cho tôi đi học, ông nội tôi còn suýt bị “khai trừ” khỏi dòng họ Pờ, vì quan niệm con gái không cần phải đi học, không cần học nhiều. Lúc đó, cả bản chỉ có tôi là nữ đi học”.

Đường lên xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè
Đường lên xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè

Chị Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (là người dân tộc La Hủ) cũng kể về bản làng nghèo khó Pa Vệ Sủ của chị ngày xưa. Hồi đó, nhà nào cũng nghèo, hầu hết trẻ con chỉ đi học đến hết lớp 3, hiếm người đi học cao hơn, là con gái thì càng hiếm. Ngày nay, dù đã có nhiều chính sách, đề án quan tâm đến sự phát triển của một số dân tộc rất ít người, nhưng vẫn chưa có sự bình đẳng thực sự trong thụ hưởng giáo dục ở vùng DTTS khó khăn. Tại một số bản vùng sâu, vùng xa, đa số các bé gái mới học hết THCS và ở nhà lấy chồng như dân tộc Mảng (bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn), dân tộc La Hủ (bản Tả Phìn, xã Bum Tở, huyện Mường Tè)… Do trình độ văn hoá của phụ nữ trong nhiều xã chưa đạt chuẩn, chưa được học chuyên môn cho nên rất khó cho công tác lựa chọn, tạo nguồn cán bộ ở cơ sở.

Theo chị Lò Phù Mé, những năm 2003, khi chưa làm đường, chưa có điện, chúng tôi phải lội suối, đi bộ đường xa để tham gia các cuộc họp, đi vận động quần chúng phát triển kinh tế -xã hội hoặc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người dân không biết tiếng phổ thông nên triển khai công việc rất khó khăn. Nếu không phải được sinh ra, lớn lên tại Pa Vệ Sủ, không biết tiếng của đồng bào mình, không được tập thể động viên, gia đình hỗ trợ, có lẽ tôi cũng khó có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình, nhất là trong giai đoạn nuôi con nhỏ, gia đình còn khó khăn về kinh tế”.

Xã Kan Hồ (huyện Mường Tè) là một xã có nhiều bản tái định cư, dân cư sống rải rác bên cạnh lòng hồ thủy điện. Quá trình đổi mới, công nghiệp hoá làm thay đổi nhiều về điều kiện sống, ăn ở, sinh hoạt, canh tác của nhân dân ở một số xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Điều này cũng tạo nên những khó khăn bước đầu cho công tác quản lý. Đối với cán bộ là nữ, đây là những thách thức lớn. Trao đổi với chị Lý Phì Nu, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Kan Hồ, chị cho biết: “Việc tập hợp đoàn viên để thực hiện các công tác của Đoàn, góp phần vào sự phát triển của địa phương cũng là một việc khó. Nhiều đoàn viên học xong không có việc làm, rời khỏi địa phương đi làm ăn xa, ảnh hưởng tới quân số đoàn viên của xã”.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Lai Châu, từ năm 2020 - 2022, ở Lai Châu có tổng số công chức, viên chức là nữ người DTTS được tuyển dụng là 63/195 (chiếm 32.3%). Số lượng, tỉ lệ tuyển dụng công chức, viên chức là nữ còn thấp hoặc chưa phân bố đồng đều giữa các địa phương. Do chỉ tiêu tuyển dụng những năm gần đây hạn chế hoặc do ứng viên chưa đạt chất lượng theo yêu cầu. Nhiều đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, chứ không tăng số lượng biên chế.

Thực tế cho thấy, tỉ lệ phụ nữ sau đào tạo tìm được việc làm hay được tham gia cơ cấu vào chức danh còn hạn chế do chính sách tuyển dụng, tinh giản biên chế hiện thời. Hiện nay, còn tồn tại một số bất cập là có khá nhiều sinh viên nữ, mặc dù gia đình khó khăn vẫn cố gắng đi học, nhưng học xong lại không tìm được việc làm. Em Ly Ky Mẻ (sinh năm 1994, dân tộc La Hủ, xã Bum Tở, huyện Mường Tè) cho biết: “Em tốt nghiệp ngành Xã hội học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng không xin được việc làm. Hiện tại, em ở nhà làm nương cùng gia đình. Nhiều bạn bè của em học xong lớp 12 cũng ở nhà lấy chồng, có bạn thì xin đi làm các công ty ở dưới xuôi”. Trong khi đó, ở một số cấp uỷ cơ sở, do thiếu nhân sự, nên công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ DTTS dù đã được coi trọng nhưng vẫn gặp khó khăn.

Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Với xuất phát điểm thấp về kinh tế, trình độ dân trí, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, cùng với việc vẫn còn tồn tại những định kiến giới, hủ tục lạc hậu ở một số vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa… đã tạo ra những rào cản vô hình, hạn chế cơ hội tiếp cận học tập nâng cao trình độ, giao tiếp và tham gia công tác xã hội của nhiều phụ nữ DTTS, đặc biệt là ở những dân tộc ít người như dân tộc Cống, Mảng...”.

Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ DTTS vào thực tiễn địa phương có nơi, có mặt còn hạn chế, có lúc chưa kịp thời, chưa thống nhất và thiếu đồng bộ. Đó là những trăn trở, nhưng cũng mở ra định hướng cố gắng tháo gỡ những rào cản đó để đạt được những yêu cầu về công tác cán bộ DTTS, và quan tâm đặc biệt tới công tác nữ cán bộ DTTS ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.