Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bồn bồn-cây xóa đói giảm nghèo

PV - 14:25, 09/04/2018

Nhiều năm qua, trồng bồn bồn là mô hình giúp cho những hộ nông dân vùng ngọt hóa tỉnh Bạc Liêu có cơ hội thoát nghèo. Riêng xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi-Bạc Liêu) bồn bồn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân.

Ông Nguyễn Hồng Lê ở ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A thu hoạch bồn bồn trên mô hình kết hợp nuôi cá và trồng bồn bồn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Nguyễn Hồng Lê ở ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A thu hoạch bồn bồn trên mô hình kết hợp nuôi cá và trồng bồn bồn cho hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Người có thâm niên trồng bồn bồn ở ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A là ông Nguyễn Hồng Lê cho biết: Gia đình có gần 5 công đất trồng lúa thu hoạch không đủ ăn nên chuyển sang trồng bồn bồn. Đây là loài cây dễ trồng, khi bắt đầu mùa mưa bà con bắt tay cấy trên ruộng. Khoảng cách để trồng một bụi từ 2-3m, chưa đến 2 tháng sau sẽ đầy ruộng, vụ thu hoạch kéo dài đến qua Tết Nguyên đán năm sau. Mỗi năm thu nhập được hơn 40 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Hiện nay, gia đình còn kết hợp thêm việc nuôi cá cho năng suất cũng khá cao. Đây là mô hình “vẹn cả đôi đường”, bồn bồn chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch lâu dài, nhẹ công chăm sóc, cho sản lượng cao và cá cũng trúng mùa.

Hiện mô hình này ngày càng được nhân rộng, nhất là đối với những hộ nông dân đất ít. Nhiều người đánh giá đây là mô hình “làm chơi nhưng ăn thật” và chính là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với nông dân vùng ngọt hóa Châu Hưng A.

Theo ông Đặng Văn Xê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi: Xã Châu Hưng A hiện có hơn 40 hộ dân thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt trên diện tích gần 20ha, tập trung ở các ấp Trà Ban 2, Hà Đức, Thông Lưu A… Mỗi năm, mô hình kết hợp nuôi cá và trồng bồn bồn nông dân có thể lãi hơn 20 triệu đồng/công. Trung bình, lợi nhuận 1 công bồn bồn tương đương với 4 công lúa. Trong khi đó, cá nuôi trong ruộng bồn bồn không phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn.

PHƯƠNG NGHI