Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bức tranh Xuân dưới chân đèo Nàng

Ghi chép của Lê Na - 15:12, 08/02/2021

Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) hôm nay vững bước trên con đường đổi mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bản làng của đồng bào Tàyở Đèo Nàng hôm nay
Bản làng đồng bào Tày ở Đèo Nàng hôm nay

Có dịp ghé Kim Bình vào một ngày cuối năm trong lòng tôi trào dâng cảm xúc hân hoan trước sự đổi thay trên quê hương cách mạng. Quốc lộ 2C, đoạn qua Đèo Nàng vừa được sửa sang, mở rộng. Cờ và khẩu hiệu treo sáng trên đường thôn, ngõ bản. Đồng bào nơi đây đang chào đón Xuân về, mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rực rỡ và tưng bừng Kỷ niệm 70 năm, Đại hội II của Đảng diễn tại quê hương Chiêm Hóa (2/1951-2/2021). Bảy mươi năm qua, cánh rừng Nà Loáng vẫn xanh biếc, trên nền những dải núi xa mờ màu chàm. Bảy mươi năm, người Kim Bình vẫn sắt son một niềm tin với Đảng, và một quyết tâm lớn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Qua 5 năm đạt chuẩn nông thôn mới, Kim Bình đang vươn lên, sánh cùng các xã khá của tỉnh. Đến trụ sở xã, tôi gặp lại Ma Thị Hồng Tươi, cô cán bộ Văn phòng Ủy ban. Tươi là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang. Cô cho hay, Đèo Nàng chủ yếu là Người Dao, người Tày vốn có truyền thống chăm chỉ, chịu khó. Với sự lãnh đạo đúng hướng, sát với tình hình ở cơ sở của xã, cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Mỗi năm lại thêm nhiều ngôi nhà mới, khang trang mọc lên đón Xuân. Từ kinh tế rừng, đồng bào đã có bát ăn, bát để, cuộc sống ổn định hơn.

Người dân Kim Bình hôm nay rất coi trọng đời sống văn hóa tinh thần
Người dân Kim Bình hôm nay rất coi trọng đời sống văn hóa tinh thần

Nà Loáng và Đèo Nàng trước đây là hai thôn, vùng đất ôm trọn cánh rừng Khu di tích Đại hội II của Đảng. Năm 2019, hai thôn sáp nhập gọi chung là Đèo Nàng. Thôn Đèo Nàng hiện có 144 hộ dân, 609 khẩu, gồm 2 dân tộc Tày và Dao, tỷ lệ xấp xỉ bằng nhau. Hai bên đèo từ xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn sang xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, cả trăm ha rừng và hơn 450 ha chuối, màu xanh đã phủ kín. Keo, bạch đàn là thế mạnh của đèo dốc, là cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào nơi đây. Những người tiên phong trồng rừng và chuối phải kể đến ông Triệu Văn Thành và ông Đặng Văn Lập. Chính hai ông đã thay đổi cuộc sống của gia đình mình và vận động con cháu, bà con làm theo. Nhiều hộ dân phát huy lợi thế chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có nuôi trâu bò vỗ béo, chăn thả dê. Dọc các triền đồi thấp, những đàn dê ba bốn chục con được nuôi thả. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người trên năm của xã Kim Bình là 36.100.000 ngàn đồng.

Tôi phóng xe vòng theo con đường bê tông men chân núi Đán Khao, rẽ vào một nhà người Dao. Cây mơ hoa trắng xóa một góc vườn. Chủ nhà là chị Lý Thị Hà, sáu mươi tuổi từng là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn. Căn nhà đất, mái lợp lá cọ theo văn hóa truyền thống. Bao quanh nhà nhiều cây ăn quả đang đơm hoa. Mấy năm qua, gia đình chị phát triển cây gừng. Đa dạng hóa thu nhập là cách ở đây hướng đến. Những bao gừng vừa thu hoạch về chất quanh nhà. Cả tạ gừng giống cho vụ tới. Chỗ kia để bán cho người đến mua gom.

Chị tâm sự, cuộc sống tốt lên nhiều rồi. Ở với rừng, người chăm chỉ, biết tìm cách chăn nuôi, trồng trọt thì không lo đói nghèo đâu. Năm trước đi tập huấn sử dụng phân viên nén, chị về hướng dẫn cho phụ nữ, ai làm cũng cho năng suất lúa tốt hơn. Thế là cả bản áp dụng. Lúa ruộng được mùa lớn. 

Từ các khe núi đá, những mạch nước róc rách chảy quanh năm. Đây chính là nguồn nước tưới cho rau màu của bà con, một thuận lợi cho phát triển nuôi cá nước lạnh. Mắm cá ruộng cũng là một đặc sản Kim Bình. Trận mưa hôm qua đã tưới đẫm cho đồng đất. Mấy chiếc máy cày đang phay ruộng vụ Xuân. Vài ba hộ đang vét ao thả cá. Thẻo đất ven suối, hoa cải vàng rực chân đèo. Màu nắng đã bừng lên trong rét giá.

Người dân Kim Bình vào mùa lễ hội
Người dân Kim Bình vào mùa lễ hội

Đèo Nàng đang hối hả nhịp sống mới. Tôi ngước lên đèo, một triền núi xanh biếc chuối, màu đỏ sậm của búp bạch đàn, màu vàng của những bụi tre đang thay lá. Có màu trắng hoa mận, hoa mơ bên hoa đào hồng rực rỡ. Và, trên hết, Đèo Nàng bừng lên màu tươi tắn của những ngôi nhà mái ngói, tường sơn mới. Đó là bức tranh Xuân no ấm dưới chân đèo Nàng.