Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bức tường thành áo trắng Blouse

Thanh Hải - 10:31, 25/02/2021

Hơn một năm, dịch Covid-19 hoành hành từ Bắc vào Nam; hơn một năm những người trên tuyến đầu ấy chưa một phút giây ngơi nghỉ; cũng hơn một năm rồi, cuộc sống của chính họ đã bị đảo lộn… Chẳng thể đo đếm những lặng thầm hi sinh, những nhọc nhằn, vất vả. Họ không chỉ là bác sĩ, họ còn là chiến sĩ, là những người hùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Và hơn hết, bức tường thành áo trắng Blouse còn vững vàng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt trọn niềm tin.

Nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 của các bác sỹ
Nỗ lực cứu chữa bệnh nhân nhiễm Covid-19 của các bác sĩ

Lịch sử dịch tễ đã ghi nhận, không phải năm qua, mà rất nhiều năm trước, chúng ta cũng đã phải trải qua những giai đoạn tồi tệ do dịch bệnh gây ra. Từ dịch SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009, hội chứng hô hấp MERS năm 2012 và hiện tại là Covid-19…. Vào những thời khắc quan trọng nhất khi dịch bệnh bùng phát, hình ảnh đầu tiên chúng ta đã thấy là những chiến binh áo trắng Blouse tiên phong.

Không chỉ là trách nhiệm, họ bước vào cuộc chiến mới, với một mệnh lệnh: Mang lại sự bình yên cho đất nước, cho Nhân dân.

Dịch Covid-19 hoành hành từ Bắc vào Nam, những chiến binh áo trắng lại tiếp tục “lăn xả” trên tuyến đầu, bất chấp bao hiểm nguy, gian khổ đang đợi chờ phía trước. Bất chấp nỗi lo và những băn khoăn khi chưa biết trước khi nào dịch sẽ được khống chế, loại trừ. Họ đã để lại sau lưng những niềm riêng đau đáu, để bước vào cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh Covid-19.

Lo lắm chứ, bất an lắm chứ. Nhưng đã không một áo trắng Blouse nào chùn lòng. Đẹp biết bao, hình ảnh những y, bác sĩ sẵn sàng hoãn ngày cưới, nén đau thương khi có người thân qua đời để làm tròn trách nhiệm trong đại dịch. Đáng trân trọng biết bao, những bóng áo Blouse trắng tình nguyện đi vào vùng dịch, chi viện sức người cho tâm dịch với một khí thế hồ hởi “chống dịch như chống giặc”, dẫu chưa hẹn trước ngày về.

Tôi đã thực sự xúc động, khi hình ảnh nhức nhối tâm can là bóng dáng những y, bác sĩ đã có lúc phải ăn, ngủ vật vờ… trong hành lang bệnh viện, tại khu xét nghiệm trong lỉnh kỉnh những bộ đồ bảo hộ. Để rồi, khi hết ca, họ ngã vật xuống nền vì kiệt sức trước những nỗ lực ngăn chặn đại dịch SARS-CoV-2.

Một năm trước, khi cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 bước vào giai đoạn mới, với nhiều cam go và thử thách thì cả nước nhận được tin 2  nhân viên y tế đầu tiên dương tính với Covid-19. Đây là 2 nữ nhân viên điều dưỡng ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - điều mà cả ngành Y không hề mong muốn nhất đã xảy ra trong dịch bệnh.

Thực tế nghiệt ngã ấy đã cho thấy, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị phơi nhiễm nhất trong dịch bệnh. Y, bác sĩ cũng chỉ là những người bình thường. Và họ không được miễn nhiễm với SARS-CoV-2.

Những nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt sau ca trực.
Những nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt sau ca trực.

Hơn một năm qua, hình ảnh lay động triệu triệu con tim, niềm vinh dự, tự hào của ngành Y tế Việt Nam nói riêng và Nhân dân cả nước ta nói chung, là hình ảnh những y, bác sĩ tận tụy ngày đêm, hết lòng cứu chữa người bệnh, không quản hiểm nguy trong thực hiện nhiệm vụ điều trị, cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Dẫu có những thời khắc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhìn sang nhiều nước trên thế giới, nhiều người đã lo ngại, bất an. Nhưng rồi điều đó đã qua nhanh. Những hi sinh không biết mệt mỏi của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch ấy, không những đã khống chế, không để dịch lây lan ra các khu vực lân cận mà còn giành lại sự sống cho các bệnh nhân không may nhiễm Covid-19 bên miệng hố tử thần.

Nhiều người đã thốt lên rằng: “Họ không chỉ là bác sĩ, họ còn là chiến sĩ và thực sự là những Anh hùng của cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

Khi đặt bút cho những dòng đầu tiên của bài này, tôi tự nhủ lòng không bao giờ được quên những cán bộ, nhân viên dẫu không trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, nhưng lại là lực lượng “đi trước về sau” trên mặt trận chống dịch Covid-19.

Thực tế đã cho thấy, mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của của các Trung tâm Y tế dự phòng cũng vội vã lên đường để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Họ là những người tiếp xúc đầu tiên với dịch bệnh, từ những mẫu bệnh phẩm và họ cũng là người cuối cùng, xử lí môi trường nơi dịch bệnh phát sinh, trả lại môi sinh trong sạch.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Nguy cơ phơi nhiễm dịch bệnh của nhân viên y tế còn tiếp tục cao. Những hiểm nguy, gian khổ sẽ vẫn còn tiếp diễn. Những sẻ chia, cảm thông, trân trọng từ cộng đồng dành cho họ, chính là chúng ta đã và đang tiếp thêm lửa để những áo trắng Blouse vững tin nơi tuyến đầu chống dịch. Bức tường thành áo trắng Blouse còn vững vàng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt trọn niềm tin.


Tin cùng chuyên mục
Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên theo quy định của Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ rất thấp, vì vậy cần đẩy nhanh thời gian và tăng mức hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định đời sống và tăng trưởng kinh tế.