Những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2014-2019 là gì, thưa ông?
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dâ mn m n về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc được nâng lên. Theo đó, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch.
Giai đoạn 2014-2019 có 29 danh mục chính sách, dự án, chương trình được đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, với tổng số vốn trên 2.000 tỷ đồng. Người DTTS trong độ tuổi lao động qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 80% (chỉ tiêu 50%), trong đó có 20% được đào tạo nghề; 98% trẻ em trong độ tuổi được đến trường (chỉ tiêu 95%); đã thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5,57%/năm (chỉ tiêu từ 4-5%); trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn (chỉ tiêu 70%); thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS đạt gần 21,9 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu đạt 21 triệu đồng/người/năm); trên 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia (chỉ tiêu 98%); trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và 88% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (chỉ tiêu 70%)…
Phát huy kết quả đạt được, xin ông cho biết một số nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong giai đoạn mới 2019-2024?
Về mục tiêu đến năm 2024, tỉnh phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hằng năm giảm 4-5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%; duy trì 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đảm bảo trẻ em suy dinh dưỡng dưới 10%; trên 90% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo vị trí việc làm và chức danh theo quy định; 100% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; 99% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia.
Khác với 2 lần tổ chức trước, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần này có sự kết hợp của liên hoan cồng chiêng lần thứ I. Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của hoạt động này?
Đối với bà con DTTS, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống tinh thần. Âm nhạc cồng chiêng của các DTTS là một sinh hoạt văn hoá dân gian lâu đời, rất độc đáo, xứng đáng để được tôn vinh là một loại hình văn hoá dân gian đặc sắc, đã được Unesco, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Trong 2 năm 2018 và 2019, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã cho chủ trương, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan, tổ chức mua sắm cho mỗi làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh một bộ cồng chiêng (tổng cộng có 119 bộ/119 làng) và 14 bộ/13 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; số lượng cồng chiêng tùy thuộc vào bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Mục đích của liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ I năm 2019 nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh; chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ III năm 2019; đồng thời là dịp để nghệ nhân cồng chiêng các DTTS trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình.
Sau Đại hội Đại biểu các DTTS và liên hoan cồng chiêng lần thứ I, tỉnh Bình Định sẽ có kế hoạch như thế nào để tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bào DTTS phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đặc biệt là giữ gìn và phát huy giá trị của cồng chiêng?
Sau Đại hội, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đầu tư hỗ trợ cho huyện nghèo, thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, chuyển đổi nghề, ổn định đời sống cho hộ đồng bào DTTS nghèo... Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 52/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh...
Đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị của cồng chiêng, UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và Ban quản lý các làng phải xây dựng Quy chế, nội quy quản lý và sử dụng, phải cử người trông coi, cất giữ, bảo quản, giữ gìn, tránh để hư hỏng nhạc cụ cồng chiêng đã được cấp; Mỗi xã, hoặc mỗi làng có thể thành lập một đội cồng chiêng, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, định kỳ dưới hình thức câu lạc bộ văn hóa. Phải chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng động viên lớp trẻ, các thanh niên tham gia luyện tập cồng chiêng để học hỏi và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Bên cạnh đó, định kỳ, hai năm một lần, tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa–Thể thao các DTTS miền núi tỉnh Bình Định để các huyện miền núi luân phiên đăng cai, giao cơ quan Văn hóa-Thể thao đưa nội dung thi biểu diễn cồng chiêng của các DTTS vào nội dung chương trình của Ngày hội này; UBND tỉnh sẽ quy định cụ thể định kỳ thời gian tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng các DTTS tỉnh; Ngoài ra, ngày hội văn hóa được các huyện duy trì tổ chức hằng năm, ngoài mục đích phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, còn góp phần tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, đây là một dịp ý nghĩa để các câu lạc bộ cồng chiêng được tham gia biểu diễn, thi đấu.
Xin cảm ơn ông!
LÊ PHƯƠNG