Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bước đột phá trong lĩnh vực công tác dân tộc: “Cú hích” cho sự phát triển vùng DTTS và miền núi (Bài 3)

Tùng Nguyên - 09:37, 02/11/2022

Việc thực hiện hiệu quả Nghị định 05/NĐ-CP đã thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần đưa Việt Nam sớm đạt các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc. Thành tựu này là nền tảng để thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ mặt nông thôn, miền núi nay đã khởi sắc. (Ảnh minh họa)
Bộ mặt nông thôn, miền núi nay đã khởi sắc. (Ảnh minh họa)

Ấn tượng giảm nghèo

Cách đây 22 năm (tháng 9/2000), Việt Nam là một trong 189 quốc gia đã cùng cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc khởi xướng. Các quốc gia nhất trí thực hiện 8 mục tiêu, gồm: giảm tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

Tại thời điểm đó, Việt Nam vẫn là nước nghèo, chưa phát triển. 5 năm sau thời điểm cam kết, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước (chuẩn nghèo đơn chiều) vẫn ở mức 22%. Đặc biệt, năm 2005, theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, tỷ lệ đói nghèo tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân là 47%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các thôn bản thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân trên 80%.

Tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở đời sống một bộ phận dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2005, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã trợ giúp trên 22 nghìn tấn lương thực và 13,3 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng thiếu đói khắc phục khó khăn.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm nhanh. Tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 28/7/2022, Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan thông tin, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1% (chuẩn nghèo đơn chiều), đến cuối năm 2021 còn 2,23% (chuẩn nghèo đa chiều).

“Việt Nam đã hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo trước thời hạn 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới”, ông Hoan cho biết; đồng thời khẳng định thêm, cùng với kết quả giảm nghèo ấn tượng, Việt Nam cũng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ và đã tiệm cận các mục tiêu còn lại.

Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP - bà Kanni Wignaraja, phát biểu khai mạc buổi Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” ngày 28/7/2022
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP - bà Kanni Wignaraja, phát biểu khai mạc buổi Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” ngày 28/7/2022

Tại Lễ công bố Báo cáo, bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho rằng, việc Việt Nam cam kết xóa đói, giảm nghèo là một lựa chọn chính sách công quan trọng. Từng có thời gian đảm nhận công tác tại Việt Nam và sau 20 năm quay trở lại, bà nhận thấy Việt Nam đã phát triển thành quốc gia năng động và sôi nổi.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cũng đã đưa ra những khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh của Việt Nam. Trong đó, bà Kanni Wigna nhấn mạnh đến việc cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Cú hích” từ chính sách

Một thành tựu đáng ghi nhận được ông Nguyễn Thắng - thành viên nhóm nghiên cứu “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” thông tin tại Lễ công bố là, tỷ lệ nghèo đa chiều trong đồng bào DTTS giảm rất sâu. Riêng giai đoạn 2011 – 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm từ 20% xuống còn 10%.

Thành tựu giảm nghèo này, là kết quả tất yếu từ việc triển khai thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trong thực hiện 13 nhóm chính sách được quy định tại Nghị định số 05/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc (CTDT). Nhờ đó, giai đoạn 2011 – 2021, một nguồn lực lớn đã được huy động để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chỉ tính riêng Chương trình 135, trong 10 năm (2011 – 2020) đã đầu tư 41.090 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học trước thời hạn 10 năm. (Trong ảnh: Học sinh A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: Đ.D)
Cùng với xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học trước thời hạn 10 năm. (Trong ảnh: Học sinh A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: Đ.D)

Việc triển khai hiệu quả Nghị định số 05/NĐ-CP, đã làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện toàn vùng đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3 % xã có trạm y tế; trên 90 % xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại;…

 Trước đó, tại thời điểm năm 2010, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 67,2% thôn, bản chưa có đường trục giao thông được cứng hoá; 202 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản (38,6%) chưa được sử dụng điện;…

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện để các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Nhờ đó, bên cạnh kết quả giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thì các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đều đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/06/2022 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng Tây Bắc đạt 8,4 %, các tỉnh vùng Tây nguyên đạt 8,1 %, các tỉnh vùng Tây Nam bộ đạt 7,3%.

Tại Lễ Công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” ngày 28/7/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT với phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã đạt được những thành tựu to lớn. Qua đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi được đầu tư cơ bản, khang trang; giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS được quan tâm sâu sắc và cải thiện vượt bậc; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được giữ gìn…

Sau hơn 10 năm, với việc thực hiện hiệu quả 13 nhóm chính sách trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã từng bước được cải thiện; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước càng được tăng cường, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, phải kể đến vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS và việc thực hiện chính sách để phát huy vai trò này.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội như: chính sách cho vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…. Ngoài ra, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ DTTS theo từng vùng miền với sự đa dạng về đối tượng, mục đích vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.