Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Một điển hình trong thực hiện chính sách dân tộc ở Đăk Đoa

Thuỳ Dung - 09:33, 06/10/2022

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng tỉnh Gia Lai. Sau chiến tranh, kế thừa truyền thống anh hùng, Nhân dân xã Hà Đông lại tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Một góc xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
Một góc xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai

Hà Đông anh hùng

Trong căn nhà đơn sơ giữa làng Kon Sơ Nglok (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), già làng Đinh Đăm, người đã trải qua những trận mưa bom bão đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nhớ như in Hà Đông của những ngày gian khó.

Rót chén nước trà đãi khách phương xa, trong cái se lạnh phảng phất của núi rừng trong chiều chạng vạng, già Đăm bắt đầu những câu chuyện thời kháng chiến anh hùng của Nhân dân Hà Đông một thời. “Hà Đông ngày ấy đói nghèo cơ cực lắm. Người dân địa phương không có nổi một chén cơm no. Nhưng khi được kêu gọi tham gia kháng chiến, ai ai cũng đồng lòng đồng sức để đưa cách mạng đến ngày toàn thắng”.

“Ngày ấy, Nhân dân ở xã tích cực lao động sản xuất để có gạo, có thịt ủng hộ cho kháng chiến. Mỗi gia đình góp một chén gạo, nhà ai có nhiều thì góp hơn để ủng hộ cho bộ đội. Nhân dân mình có thể đói phải ăn củ khoai, củ mì nhưng quyết tâm không để bộ đội đói. Ai ai cũng đồng lòng, đồng sức đóng góp cho cách mạng chỉ mong đẩy lùi được quân thù”. Già Đinh Đăm nhớ lại.

Trải qua hơn 20 năm chống Mỹ, Nhân dân ở xã Hà Đông chưa một lần đầu hàng trước những khó khăn, mất mát. Họ không sợ hi sinh, chỉ một lòng tin theo Bác Hồ. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, người dân còn làm khố để tặng bộ đội, để bộ đội ở cùng với người dân tránh để địch phát hiện. Khi bộ đội gặp nạn, người dân đã góp sức vận chuyển người đi sơ cứu, đóng góp sức người để đào hầm,… góp phần lớn trong công cuộc giải phóng tỉnh Gia Lai.

Tiếp lời già Đinh Đăm, ông Hoàng Cam, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông cho hay: Hiện nay xã Hà Đông có 37 người có công cách mạng, 92 cựu chiến binh. Với những cống hiến trên, năm 2012 xã Hà Đông đã vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Già Đinh Đăm (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ về xã Hà Đông những ngày gian khó
Già Đinh Đăm (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ về xã Hà Đông những ngày gian khó

Những ngày gian khó

Màn đêm bắt đầu buông xuống, trời cũng bắt đầu lạnh hơn. Già Đinh Đăm nhóm ngọn lửa nhỏ trên nhà sàn, rồi tiếp tục câu chuyện về Hà Đông. Đứng lên sau cuộc kháng chiến, xã Hà Đông lại gặp muôn vàn khó khăn khi cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng lấy người dân. Dù chỉ cách trung tâm huyện Đak Đoa chừng 50km nhưng con đường dẫn vào xã từng là sự ái ngại của nhiều người.

Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông cho hay: Khoảng năm 2015 đổ về trước, khi tuyến đường nối từ xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) đến xã Hà Đông chưa được làm thì việc di chuyển của người dân gặp vô vàn khó khăn. Hơn 20km đều là đường đất, đèo dốc khó di chuyển đặc biệt là vào mùa mưa. Muốn vào xã lúc này, phải di chuyển hàng tiếng đồng hồ vì đường đất bùn lầy, một bên là vực nguy hiểm.

Tiếp lời Bí thư Đảng ủy xã, già Đăm bộc bạch: Với tỉ lệ người đồng bào DTTS chiếm 100%. Bà con chủ yếu sống phụ thuộc vào cây lúa một vụ ít sản lượng, có gia đình còn đói ăn. Ngoài đối mặt với nạn đói, Nhân dân xã Hà Đông còn đối mặt với nạn dốt. Vì ít học, thiếu hiểu biết có nhiều người không biết mặt con chữ nên người dân không tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một phần vì địa hình cách trở, di chuyển khó khăn nên cuộc sống của dân làng gần như biệt lập với bên ngoài. Bóng tối của đói nghèo, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như bao trùm lấy người dân. Và đó cũng là những lý do khiến tỉ lệ hộ nghèo của Hà Đông còn rất cao.

Ngày ấy, với vai trò Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông, già Đinh Đăm nhận thấy sự cấp thiết nhất lúc bấy giờ là phải chống lại nạn đói, nạn dốt và nạn mê tín dị đoan. “Lúc này, mình cùng với các cấp chính quyền, hệ thống già làng, Người có uy tín trên địa bàn đã cùng nhau chung tay tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân vươn lên” già Đinh Đăm chia sẻ thêm.

Phát triển và hội nhập

Nằm giữa thung sâu với những khó khăn nhất định, Hà Đông chỉ thực sự có những chuyển biển tích cực khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS. Các chương trình, chính sách dân tộc như Nông thôn mới, Chương trình 135,… đã về với thôn làng. Và tuyến đường nối từ xã Đak Sơ Mei tới xã Hà Đông là một trong những đòn bẩy đặc biệt giúp cho Hà Đông vươn mình.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đời sống của người Ba Na trên địa bàn xã ngày càng có nhiều khởi sắc. Trong hình: Từ các nguồn ngân sách, cây cầu mới ở làng Kon Ma Har đã được xây dựng vào năm 2020 đã thay thế cầu treo cũ, giúp người dân thuận tiện đi lại, giá cả nông sản cũng được nâng lên
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đời sống của người Ba Na trên địa bàn xã ngày càng có nhiều khởi sắc. Trong hình: Từ các nguồn ngân sách, cây cầu mới ở làng Kon Ma Har đã được xây dựng vào năm 2020 đã thay thế cầu treo cũ, giúp người dân thuận tiện đi lại, giá cả nông sản cũng được nâng lên

Từ địa phương nghèo, tỉ lệ hộ nghèo cao với cơ chế sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thay vì trồng lúa rẫy kém năng suất người dân đã biết trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, tiếp cận các giống cây mới như bời lời, cà phê, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với sự vào cuộc, chung tay của hệ thống chính trị thôn, làng và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng được đẩy lùi.

Chứng kiến những đổi thay của xã Hà Đông qua hàng năm, ông Hnhraoh ở làng Kon Pơ Dram, Người có uy tín ở xã Hà Đông chia sẻ: Đời sống của người Ba Na ở xã Hà Đông đến nay tuy còn khó khăn nhưng đã có rất nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước. Được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điện đường trường trạm đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cơ bản của bà con. Về đời sống kinh tế, ngoài việc trồng các loại cây có giá trị cao như bời lời, cà phê,… bà con còn đăng ký trồng rừng, trồng keo lai, thông ba lá,… Nhờ vậy mà đời sống người dân ngày càng tiến bộ hơn trước.

Ở xã Hà Đông, già Hnhraoh cũng là tấm gương tiêu biểu công cuộc phát triển kinh tế địa phương. Từ chỗ thoát nghèo, đến nay, gia đình ông hiện có 6 sào lúa ruộng, 2 ha keo lai, 4 con trâu và 10 con heo thịt. Ngoài ra, ông còn phối hợp với Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên vận động và hướng dẫn 30 hộ dân tại làng trồng 30 ha keo lai, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn.

Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn nên thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, xã Hà Đông hiện chỉ đạt 9/19 chỉ tiêu. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2021 đạt hơn 11 triệu đồng. Thời gian tới, để giúp Hà Đông phát triển hơn nữa, cấp ủy, chính quyền xã và huyện Đak Đoa cũng đề ra nhiều mục tiêu, phương hướng để đưa Hà Đông đi lên.

Ông Hoàng Cam chia sẻ: Ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án như giảm nghèo, Nông thôn mới,… Hiện tại địa phương đang tích cực triển khai các dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có dự án bố trí sắp xếp lại dân cư xã Hà Đông. Khi có dự án này thì sẽ giúp giãn dân, bố trí sắp xếp lại dân cư của 5 thôn, làng trên địa bàn xã. Chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này, vì nếu dự án được thực hiện sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Từ đó tạo điều kiện cho đồng bào phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.