Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bước đột phá trong thực hiện chính sách dân tộc

Sỹ Hào - 07:19, 24/01/2023

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực công tác dân tộc khi Đảng ta xác định, trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc phải chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào DTTS. Chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết phát triển vùng có tầm nhìn đến năm 2045, được Bộ Chính trị ban hành trong năm 2022, mở ra cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng gắn với bản sắc văn hóa của từng dân tộc để phát triển bền vững.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.

Phát triển cùng đất nước

Xuân Quý Mão 2023 là mùa Xuân thứ 93, dân tộc Việt Nam tiến bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Trên chặng đường 93 năm, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một đất nước hùng cường.

Trong thành tựu chung của đất nước có bước tiến vượt bậc, trên mọi phương diện của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chủ trương trong lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT), thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) luôn được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của đồng bào các dân tộc, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tiến nhanh trên con đường phát triển. Trong một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm toàn vùng đạt 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%.

Vùng đồng bào DTTS có bước phát triển mạnh mẽ từ quá trình triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)
Vùng đồng bào DTTS có bước phát triển mạnh mẽ từ quá trình triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)

Yêu cầu mới trong phát triển vùng

Bước phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi đòi hỏi phải có chủ trương phù hợp về lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT trong tình hình mới. Bởi vậy, trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương chú trọng tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào DTTS trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện CSDT để phát huy tiềm năng, thế mạnh; đảm bảo phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng, từng dân tộc. Đây là bước tiến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; ở các kỳ đại hội trước, chủ trương về CTDT mang tính khát quát chung toàn bộ về vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có 4 nghị quyết cho 4 vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống (Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ). Bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước thì các nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra các chủ trương phát triển cụ thể, phù hợp với từng vùng.

Diện mạo nông thôn ở huyện Hoà An, Cao Bằng có nhiều chuyển biến đáng kể nhờ triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc. (Ảnh: Mạnh Cường)
Diện mạo nông thôn ở huyện Hoà An, Cao Bằng có nhiều chuyển biến đáng kể nhờ triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc. (Ảnh: Mạnh Cường)

Nghị quyết phát triển vùng đã có, nhưng đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong các hội nghị triển khai các nghị quyết, hơn hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt, biến tư tưởng chỉ đạo, chính sách, chủ trương thành hiện thực sinh động. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Với phương châm “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”, việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết sẽ góp phần quan trọng đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 được đề ra trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.