Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bước phát triển mới của du lịch Bình Định: Sức hút của miền “đất Võ - trời Văn” (Bài 1)

T.Nhân-H.Trường - 17:18, 30/07/2024

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, được Chính phủ xác định là đô thị trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài những tiềm năng, dư địa là núi đồi, biển đảo, danh lam thắng cảnh, Bình Định còn là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời, với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa…, những yếu tố này chính là những tài nguyên lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Nhằm thúc đẩy ngành kinh tế "không khói" này, nhiều năm nay, Bình Định đã thực hiện các giải pháp "đánh thức" tiềm năng, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế du lịch.

Bình Định được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển đẹp
Bình Định được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bờ biển tuyệt đẹp

Những năm gần đây, Bình Định được mệnh danh là thiên đường du lịch, như một thỏi “nam châm” thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm. Để có được thành quả này, bên cạnh được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng, lợi thế, chính là sự nỗ lực của các cấp, sở, ngành và người dân trong việc ý thức làm du lịch, biến những tiềm năng sẵn có thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương.

Vùng đất nhiều tiềm năng du lịch

Với bờ biển dài 134km, Bình Định được thiên nhiên ban tặng vô số danh lam thắng cảnh và những bãi biển đẹp làm say lòng du khách. Đó là một Ghềnh Ráng hiền hoà lộng gió; một Kỳ Co sơn thuỷ hữu tình, sóng vỗ về từng bờ đá nhấp nhô, quanh năm ngập tràn ánh nắng, khiến người ta liên tưởng đến những bến bờ vùng Địa Trung Hải xa xôi. Chưa hết, Bình Định còn có bãi biển Quy Nhơn, cát vàng óng ả; bán đảo Phương Mai, với những đồi cát dài vô tận; đầm Thị Nại, gợi nhớ một thương cảng sầm uất thưở xa xưa...

Bên cạnh đó, Bình Định còn có sự đa dạng về địa hình vùng núi, sông hồ và gần 150.000ha rừng tự nhiên tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu với nhiều phong cảnh đặc sắc, hữu tình như: xứ dừa Tam Quan, Núi Bà, Hầm Hô, hồ Núi Một, suối khoáng nóng Hội Vân, vùng thượng nguồn sông Kôn... Đây là điều kiện lý tưởng để Bình Định phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, leo núi và nghỉ dưỡng bên cạnh tiềm năng về du lịch biển, đảo.

Nếu chỉ bấy nhiêu thôi thì có lẽ miền đất này vẫn chưa đủ sức để "níu chân" du khách. Mà sự cuốn hút thẳm sâu, chính là thủ phủ một thời của vương triều Chămpa nhiều huyền thoại, của nền văn hoá từng vang bóng một thời. Hiện Bình Định còn lưu giữ một hệ thống di tích tháp Chăm độc đáo, với 14 ngôi tháp còn khá nguyên vẹn và thuộc loại đồ sộ nhất miền Trung.

Bình Định còn là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, nơi nuôi dưỡng và hun đúc tài năng của Người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ; và là nơi sản sinh nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn...

Biển đảo là một thế mạnh của du lịch Bình Định
Biển đảo là một thế mạnh của du lịch Bình Định

Đến Bình Định, du khách còn biết đến một tinh thần thượng võ nổi tiếng và được thưởng thức những màn biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn đẹp mắt, tinh tế chỉ riêng có ở miền đất này. Bình Định ngày nay còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa quý giá và nhiều lễ hội đặc sắc, làng nghề truyền thống. Cùng với đó là một nền ẩm thực độc đáo mang đặc trưng riêng của miền đất Võ.

Ngoài ra, Bình Định còn có 39 thành phần DTTS sinh sống ở các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Phù Cát với đa dạng các nét đẹp văn hóa. Các lễ hội truyền thống như: Mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, các điệu dân vũ, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn T’rưng… góp phần làm giàu bản sắc du lịch của Bình Định.

Về vị trí địa lý, có thể hình dung Bình Định như một cánh quạt, với những nan quạt xoè ra nối liền các vùng có tiềm năng du lịch như: Nha Trang, Pleiku, Kon Tum, Hội An và Đà Nẵng… với một cự ly khá gần. Đồng thời, Bình Định có hệ thống giao thông liên hoàn rất thuận tiện cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Bình Định nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 19, tuyến đường sắt Bắc - Nam, sân bay Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Riêng quốc lộ 19 là cửa ngõ nối Bình Định với các tỉnh Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan... cho phép mở rộng hành lang kinh tế và du lịch với hầu hết các tỉnh trong nước và một số nước trong khu vực.

Hiện Bình Định còn lưu giữ một hệ thống di tích tháp Chăm độc đáo, với 14 ngôi tháp còn khá nguyên vẹn và thuộc loại đồ sộ nhất miền Trung.
Hiện Bình Định còn lưu giữ một hệ thống di tích tháp Chăm độc đáo, với 14 ngôi tháp còn khá nguyên vẹn và thuộc loại đồ sộ nhất miền Trung

Biến tiềm năng thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với những lợi thế trên, những năm qua, Bình Định đã hình thành nên nhiều tuor du lịch biển gắn với nghỉ dưỡng hấp dẫn như: Du lịch sinh thái biển Quy Nhơn – Nhơn Lý – Nhơn Hải – Cát Tiến, tour lặn ngắm san hô Kỳ Co – Nhơn Châu – Nhơn Hải. Từ những tuyến du lịch này, tỉnh đã thu hút hàng loạt các dự án du lịch quy mô như Hải Giang Meryland, khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, Resort Maia, Khu du lịch Trung Lương…

Hiện nay, tỉnh có hơn 400 cơ sở lưu trú đạt chuẩn đến 5 sao, có 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Cùng với Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết… Quy Nhơn nổi lên như một “thiên đường biển”, với nhiều trải nghiệm mới mẻ. Hàng loạt các hoạt động du lịch bài bản mang tầm vóc quốc tế đã được địa phương chú trọng triển khai, qua đó lượng khách quốc tế đến Bình Định tăng qua từng năm. Đây là động lực thúc đẩy phát triển du lịch ở các vùng lân cận như Cồn Chim, Bán đảo Phương Mai, làng chài Nhơn Lý, khu vực biển Nhơn Châu – Nhơn Hải – Nhơn Lý…

Nhận thức rõ những tiềm năng và lợi thế của du lịch địa phương, Bình Định đã sớm xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương” và bước đầu đã gặt hái được những kết quả tích cực. Bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

Vùng miền núi Bình Định cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Vùng miền núi Bình Định cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Việc đầu tư nhà ga sân bay mới, tăng tần suất chuyến bay và đưa máy bay Airbus vào khai thác tại sân bay Phù Cát, mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn, đưa đoàn tàu Quy Nhơn – TP. Hồ Chí Minh vào vận hành...

Nhờ đó mà hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, trở nên sôi động và khởi sắc hẳn. Các chỉ số quan trọng của ngành Du lịch Bình Định trong những năm qua luôn đạt những con số hết sức ấn tượng, năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, trong năm 2022 Bình Định đón hơn 4,3 triệu lượt khách, doanh thu mang về hơn 13.000 tỷ đồng; đến năm 2023 toàn tỉnh có hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, đem về doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ; nổi bật 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đón khoảng 5,6 triệu lượt khách trong và ngoài nước với doanh thu khoảng 16.400 tỷ đồng. Bình Định phấn đấu đến năm 2025 đạt 8 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm ở địa phương.

Xác định du lịch là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua phát triển du lịch được đưa vào các nghị quyết, chương trình, chính sách chủ lực của Bình Định. Bên cạnh đầu tư mạnh vào phát triển du lịch biển đảo, địa phương cũng mở rộng khai thác các tiềm năng từ các địa phương miền núi để phát triển du lịch. 

Bản sắc văn hoá của đồng bào DTTS cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định
Bản sắc văn hoá của đồng bào DTTS cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định

Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định: Để có được những kết quả khả quan nói trên, trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã có những mục tiêu, chiến lượt cụ thể trong phát triển du lịch. Ngoài việc đánh thức những tiềm năng vốn có, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và dần khẳng định thương hiệu du lịch Bình Định là điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn.

Lấy du lịch biển làm chủ lực để phát triển, địa phương đã và đang tăng cường đầu tư các cơ sở hạ tầng, tăng cường dịch vụ và đặc biệt tổ chức những sự kiện quốc tế để quảng bá hình ảnh của thiên nhiên, con người Bình Định đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Qua đó, hình thành nên những chuỗi sự kiện du lịch kết nối tới nhiều địa điểm, đánh thức toàn bộ các tiềm năng của tỉnh để phát triển du lịch.

"Tỉnh đang tích cực kêu gọi những “đại bàng lớn” đầu tư vào các điểm du lịch hấp dẫn ở các huyện miền núi, đánh thức những giá trị văn hóa sẵn có của cộng đồng người đồng bào, tạo thành mô hình du lịch rộng khắp trên cả tỉnh, với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến không thể thiếu của du lịch vùng đất Duyên hải Nam Trung bộ ”, ông Thanh chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.