Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bước tiến mới ở vùng đất nhiều… không

PV - 17:42, 01/02/2018

Một thời gian dài, trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định vẫn còn 5 ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số được liệt vào dạng... nhiều không: không điện, không đường và không có sóng điện thoại. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, những cái không đã dần ít đi, mở ra triển vọng phát triển trước thềm năm mới.

Ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, lại nằm sâu trong những cánh rừng già, các làng nhiều… không của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, bao gồm: làng Canh Tiến, làng Kà Bông, làng Cát và làng Chồm (xã Canh Liên) và làng Canh Giao (xã Canh Hiệp). Đây đều là những ngôi làng “biệt lập”.

Đường đến trường tuy còn nhiều trắc trở nhưng đối với các em học sinh đồng bào DTTS được đi học là một niềm vui. (Trong ảnh các em học sinh làng Canh Giao lội suối để đến trường) Đường đến trường tuy còn nhiều trắc trở nhưng đối với các em học sinh đồng bào DTTS được đi học là một niềm vui. (Trong ảnh các em học sinh làng Canh Giao lội suối để đến trường)

 

Vượt qua những con đường hun hút nằm dưới tán rừng, chúng tôi đến làng Chồm khi mặt trời đã lên được quá nửa cây sào, xung quanh là một khung cảnh yên ắng, tĩnh lặng lạ thường. Chỉ có vài cụ già và mấy đứa trẻ đưa mắt nhìn chăm chú khách lạ.

Theo lời anh Đinh Văn Hải, Trưởng làng Chồm, người dân trong làng đã lên nương rẫy từ mờ sáng để chiều về sớm, tranh thủ sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết nên chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà. “Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hướng dẫn cách làm ăn, người dân đã thay đổi tập quán sản xuất nên cuộc sống khá lên rất nhiều”, anh Hải cho biết thêm.

Không chỉ ở làng Chồm, cách đây vài năm, để đến được làng Canh Tiến phải đi mất một ngày đường đèo. Đó là lúc trời nắng, còn trời mưa sông sâu suối lớn nhiều khi phải ngủ lại trong rừng và phải mất 2-3 ngày mới đến được làng. Nhưng nay, việc đi lại thuận tiện hơn, người dân đã cùng nhau mở được một con đường mòn từ làng đến trung tâm xã Canh Hiệp.

Trưởng làng Canh Tiến, Đoàn Văn Tào tâm sự: “Nhờ con đường này nên thời gian đi lại của bà con được rút ngắn đáng kể. Giờ trong làng hầu như nhà nào cũng có xe máy, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con đường mòn nên mùa mưa không thể đi được. Mong ước trước hết của người dân là có đường bê tông để thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Có đường, chắc chắn đời sống của bà con sẽ khá hơn rất nhiều”.

Ngoài các làng ở Canh Liên thì làng Canh Giao, xã Canh Hiệp cũng là một ngôi làng “biệt lập”, nằm trong một thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp. Tuy không có đường, nhưng nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng và trồng keo nên cuộc sống ổn định.

Theo ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, điều đầu tiên tạo nên sức bật cho những ngôi làng nhiều... không của huyện là nhờ những chính sách của Nhà nước về định canh, định cư, hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng... Huyện Vân Canh cũng đặt mục tiêu xây dựng đường giao thông, kết nối các làng lên hàng đầu nên đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư.

Những năm qua, huyện đầu tư xây dựng tuyến đường từ Trung tâm xã Canh Liên về đến làng Kà Bưng dài hơn 8km theo hình thức đúc bê tông xi măng với tổng kinh phí 37 tỷ đồng; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ 27 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Vân Canh đã lập dự toán trình Trung ương xin hỗ trợ xây dựng thêm tuyến đường từ làng Chồm về làng Canh Tiến, với tổng chiều dài 10,3km; mức kinh phí dự trù khoảng 87 tỷ đồng, khảo sát tuyến đường từ Canh Giao về xã Canh Hiển, dự trù kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Đối với làng Canh Giao, nếu chưa làm được đường thì sẽ bố trí vốn xây dựng một cầu treo qua suối để người dân đi lại.

“Do địa hình phức tạp, bình quân mỗi cây số đường ở vùng cao này đòi hỏi mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Vì nguồn lực đầu tư quá lớn, địa phương không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Khâu xây dựng chấp nhận làm theo kiểu cuốn chiếu, đoạn nào khó thì làm trước”, ông Trần Kim Vũ cho biết thêm.

Một góc làng Cát, xã Canh Liên hôm nay. Một góc làng Cát, xã Canh Liên hôm nay.

 

Thêm tin vui cho người dân ở làng Chồm, làng Cát, làng Kà Bông và làng Canh Tiến, Canh Giao khi kế hoạch kéo điện lưới quốc gia về các làng đã được UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương và bố trí vốn để xây dựng. Anh Đinh Krép, Trưởng làng Cát chia sẻ: “Dù chỉ mới được tỉnh đồng ý chủ trương nhưng bà con thấy phấn chấn hẳn. Vui lắm! Mong mọi việc tiến triển tốt để bà con sớm được hưởng ánh sáng của điện lưới quốc gia”.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành đã tạo nền tảng cho ước vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Những làng... nhiều không này đã dần thay da, đổi thịt và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại; đặc biệt, cảnh thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã là câu chuyện của quá khứ.

LÊ PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.