Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Cà Mau nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Như Tâm - 20:31, 09/10/2024

Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong đó, khu tập kết 200 ngày ở tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 địa phương của miền Nam được chọn để tổ chức cuộc chuyển quân quan trọng này. Các chuyến tàu đã chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam. Để ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Minh Luân ( áo trắng đứng hàng đầu) kiểm tra tiến độ các công trình Sự kiện tập kết ra Bắc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (áo trắng đứng hàng đầu) kiểm tra tiến độ các công trình Sự kiện tập kết ra Bắc

Các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024) tại Cà Mau đã được triển khai từ đầu năm 2024 đến nay. Thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động sẽ tập trung trong tháng 11/2024, đó trọng tâm là Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, với chủ đề “Hẹn ngày thống nhất”, dự kiến diễn ra vào lúc 20 giờ đến 21 giờ 30 phút ngày 26/11/2024, tại khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).

Bên cạnh đó là các hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 tại xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và Hội thảo khoa học với chủ đề: “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”, diễn ra vào ngày 22/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

 Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) sắp hoàn thành
Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) sắp hoàn thành

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện còn diễn ra các hoạt động kinh tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, như: Hội chợ thương mại, lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955; trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sách báo, biểu diễn nghệ thuật; giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp Petrovietnam; các hoạt động thể thao với môn đua vỏ lãi và ngày hội thả diều nghệ thuật. 

Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ, ngoài các hoạt động theo chuỗi sự kiện, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, tái hiện tình quân dân và các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa; hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; các công trình, phần việc của thanh niên gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới… 

Hiện nay, Cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại thị trấn Sông Đốc đang được khẩn trương thi công giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, việc triển khai trùng tu, nâng cấp bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ” tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình đến thời điểm này cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024 để kịp tổ chức các hoạt động có liên quan tại địa phương.

Tháng 1.2024, tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)
Tháng 1/2024, tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), cho biết: “Thông qua các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024) nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Nhân dân. Qua đó, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo tiền đề đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đây còn là dịp để giới thiệu, quảng bá về quê hương và con người Cà Mau dũng cảm, kiên cường, thân thiện và mến khách… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”.

Nhân dân Cà Mau lưu luyến chia tay cán bộ và chiến sĩ trước giờ lên tàu tập kết ra Bắc. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Cà Mau lưu luyến chia tay cán bộ và chiến sĩ trước giờ lên tàu tập kết ra Bắc. (Ảnh tư liệu)

Theo Hiệp định Giơnevơ, khu vực Nam Bộ có 3 khu tập kết, trong đó Cà Mau là khu tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ, gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như: Thị trấn Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai, Hòa Bình và một số chợ khác…

Tháng 10/1954, tại căn cứ Chắc Băng (Cà Mau), đồng chí Lê Duẩn - Trưởng phái đoàn Trung ương tổ chức Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy. Tại Hội nghị, Xứ ủy Nam Bộ đề ra công tác công khai và nửa công khai; tổ chức và hoạt động của Đảng phải hết sức giữ bí mật, tổ chức và hoạt động của phong trào quần chúng thì cần lợi dụng hình thức công khai. Chuẩn bị tinh thần kháng chiến lâu dài nên vấn đề xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị cho chiến lược cách mạng ở miền Nam là hết sức cần thiết, trong đó có việc cho tàu tập kết rời khỏi cửa sông Ông Đốc.

Trước ngày bàn giao khu tập kết, cách mạng ta tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thị trấn Cà Mau. Đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Đình chiến thay mặt cho những người con của Nam Bộ thành đồng phát biểu lời tạm biệt và dặn dò, hứa hẹn cùng nhau đấu tranh cho ngày Nam Bắc sum họp một nhà. Hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ, đồng bào có mặt tại cuộc mít tinh bùi ngùi xúc động, không cầm được nước mắt và mỗi người tâm niệm quyết tâm phấn đấu cho ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Một số đơn vị đi tập kết tỏa về vùng nông thôn Bắc Cà Mau và Nam Cà Mau để tạm biệt đồng bào, đồng chí.

Ngày 31/01/1955, cuộc tiễn đưa tập kết đầy lưu luyến diễn ra ở cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời), người đi, người ở đều nguyện một lòng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng phân công, hẹn ngày Bắc Nam sum họp, thống nhất Tổ quốc.

Đến ngày 08/02/1955, chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm Ông Đốc cũng là thời điểm Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau bước vào cuộc chiến đấu mới. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt công khai xuống tàu đi tập kết, nhưng sau đó hai đồng chí bí mật quay trở lại vùng đất Mũi Cà Mau trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Chuyến tàu chuyển quân tập kết từ cửa Sông Đốc nhổ neo rời bến, hàng nghìn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang và tràn đầy hứa hẹn: Ngày mai Nam - Bắc sum họp. Ngay sau đó, Nhân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới, với niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Tổ chức tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại và tình hình biển, đảo

Sóc Trăng: Tổ chức tuyên truyền công tác thông tin đối ngoại và tình hình biển, đảo

Từ ngày 15 - 17/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Tuyên truyền trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại trên khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, năm 2024.