Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chương trình MTQG 1719 góp phần phát triển bền vững vùng DTTS huyện U Minh

N. Tâm - K. Chi - 17:39, 01/10/2024

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy và điều hành của UBND huyện U Minh (Cà Mau), các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân... các chương trình, dự án, chính sách thuộc Chương trình được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả, mang lại diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS U Minh. Theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân cũng từng bước được nâng lên.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Liêm đi kiểm tra tiến độ xây dựng nhà cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh kiểm tra tiến độ xây dựng nhà cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện

Đổi thay xứ rừng

Mới đây, có dịp về thăm ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, dễ dàng nhận thấy những con đường trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang và nhiều cây cầu được bê tông hóa. Hình ảnh này khác xa với Khánh Thuận trước đây, mỗi khi mùa mưa đến thì việc đi lại của bà con nông dân trong ấp gặp rất nhiều khó khăn. Đường thì lầy lội, nước thì mênh mông, học sinh đến trường học rất khó khăn, chủ yếu bằng xuồng máy, xuồng chèo.

Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết: Trước đây, xã nằm trong diện đầu tư của Chính phủ thuộc Chương trình 135, nối tiếp Chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS ở xã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Nhiều nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG đã thay đổi diện mạo của nơi này. Đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư trên địa bàn xã lộ giao thông nông thôn, nhà ở, hỗ trợ người dân có nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề… Nhờ đó, đời sống của bà con vùng đồng bào ngày một đổi thay. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Không chỉ riêng ở xã Khánh Thuận, đời sống của đồng bào DTTS ở các xã khác trong huyện U Minh đã có sự cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS.

Theo số liệu tổng hợp, tổng nguồn vốn giao cho huyện U Minh năm 2022 - 2024 là 32 tỷ 153 triệu đồng. Theo đó, huyện đã thực hiện Dự án 1 là, hỗ trợ xây dựng 158 căn nhà, hỗ trợ chuyển đổi nghề 83 hộ, nước sinh hoạt cho 206, cho vay tín dụng ưu đãi 73 hộ.

Dự án 3 đã thực hiện 18 dự án chăn nuôi và trồng rau màu, với 195 hộ tham gia. Dự án 4 triển khai xây dựng 21 công trình giao thông, sửa chữa 16 công trình. Dự án 7 đã giải ngân 852 triệu đồng để chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Theo ông Huỳnh Văn Đen, Trưởng phòng Dân tộc huyện U Minh cho biết, các chính sách hỗ trợ đã giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, tích lũy vốn, và mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS huyện đã tăng từ 35 triệu đồng/năm vào năm 2019 lên 38,3 triệu đồng/năm vào năm 2024. Huyện đã mở 67 lớp dạy nghề cho 2.295 lao động, giúp giải quyết việc làm cho 19.201 lao động và xuất khẩu lao động cho 95 người. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo nói chung và hộ nghèo DTTS đã giảm đáng kể, còn 4,68%, nhưng vẫn còn cao là 13%, hộ cận nghèo là 1,61% (DTTS 4%).

Diện mạo cơ sở hạ tầng vùng đồng bào vùng DTTS của huyện U Minh đã thay đổi
Diện mạo cơ sở hạ tầng vùng đồng bào vùng DTTS của huyện U Minh đã thay đổi

Kết nối sức mạnh để phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, đồng thời tiếp tục phát triển bền vững, trong giai đoạn 2024 - 2029, huyện U Minh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống còn dưới 5%, giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc; 99% trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi và 100% cán bộ, công chức người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

“Mục tiêu này thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền, Nhân dân nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Có nhiều yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hướng tới việc thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719, nhưng trên hết là tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của đồng bào các DTTS”, ông Liêm chia sẻ.

Theo ông Liêm, trong Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS của huyện lần thứ IV, năm 2024 vừa qua, cũng đã nêu rõ các mục tiêu phấn đấu cụ thể. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS; công khai hóa các chính sách, đầu tư vốn để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện.

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững
Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững

Bên cạnh đó, là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ làm công tác dân tộc, có chính sách đãi ngộ, sử dụng cán bộ là người DTTS. Tăng cường công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc; nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn để Người có uy tín phát huy vai trò của mình trong vùng đồng bào DTTS, để Người có uy tín tiếp tục vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát huy và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS.

Trong lĩnh vực văn hóa, huyện U Minh xác định, tiếp tục bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống trong đồng bào DTTS, tổ chức dạy và học chữ Khmer, nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ của dân tộc mình.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, huyện U Minh quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS và xây dựng một vùng nông thôn mới ngày càng thịnh vượng, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.