Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Các địa phương vùng đồng bào DTTS: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

T.Minh - 18:57, 24/11/2021

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Ủy ban Dân tộc, theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết ngày 23/11/2021, cả nước có 27.475 người DTTS mắc Covid-19.

Đồng bào các DTTS tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh minh họa
Đồng bào các DTTS tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh minh họa

Trong đó, khu vực Tây Nam bộ có 3.739 ca; Miền Trung - Tây Nguyên có 5.565 ca; khu vực Đông Nam bộ có 15.424 ca; các tỉnh phía Bắc: 2.747 và có 94 ca là học sinh Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương vùng đồng bào DTTS  tiếp tục triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch; tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thức phòng, chống dịch, không lơ là, mất cảnh giác.

Đặc biệt, các địa phương đã phát huy vai trò Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng tiếng DTTS thông qua nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đơn cử như, TP. Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tục tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm vét mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên theo kế hoạch. Ngày 22/11, TP. Cần Thơ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn Thành phố.

Theo Trung tâm Phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên của 10 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ đã được tiêm vắc xin, cao nhất là 100%, thấp nhất là 82,30%; đã tiêm đủ liều cao nhất là 75,70%, thấp nhất là 53,80%. 

Nhờ thực hiện các biện pháp, công tác phòng chống dịch các địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Đơn cử như tại An Giang, số ca mắc Covid-19 liên tục giảm mạnh trong 4 ngày gần đây; tỉnh đang nỗ lực phòng, chống dịch để sớm đưa các địa phương từ vùng cam trở về vùng vàng, tiến đến xanh hóa toàn tỉnh.

Cùng với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội địa phương hiệu quả nhất. Trong đó, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các quận, huyện tổ chức rà soát số người bị mắc Covid – 19 có hoàn cảnh khó khăn chưa được nhận hỗ trợ để thực hiện các gói an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn; tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, tiếp tục thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống dịch của một số địa phương còn có những khó khăn. Tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận trong tuần qua diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng và lan rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, đến 21/11, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 đang ở mức rất thấp, hiện chỉ đạt 36%. Ban chỉ đạo tỉnh Bình Thuận đánh giá có lúc, có nơi chưa có sự quyết tâm; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là. Để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp hành chính tại các địa phương ở cấp độ dịch cấp 4 (vùng đỏ), cấp 3 (vùng cam)...

Tình hình dịch bệnh vùng Tây Nam bộ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, số lượng ca mắc mới vẫn còn cao. Đến thời điểm hiện nay các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long cấp độ 2; còn lại 4 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, TP. Cần Thơ cấp độ 3.

Số ca mắc covid-19 trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận tăng, các ca F0 trong cộng đồng diễn biến phức tạp, chủ yếu tại các bon, buôn đồng bào DTTS.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Ủy ban Dân tộc cũng đã đề nghị Tiểu ban Dân vận có ý kiến với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, đề ra phương án hữu hiệu giúp người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.