Miền núi hứng chịu thảm họa
Trong đợt mưa lũ từ ngày 25 đến 27/9 vừa qua, huyện miền núi Quỳ Châu có lẽ là cái tên được nhắc nhiều nhất về mức độ thiệt hại. Những 1.108 ngôi nhà bị ngập, có nhà bị ngập ngang mái đã cho thấy mức độ khủng khiếp của dòng nước lũ. Mực nước ở “tâm lũ” Quỳ Châu có nơi đạt ngưỡng 4m; trong đó có nhiều nơi ngập sâu như thị trấn Tân Lạc, các xã Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Bình…
Bà Nguyễn Thị Vinh ở khối 4, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu mệt mỏi cho biết: nước lên nhanh quá, tầm 4h sáng ngày 27/9 thì nước đã vào nhà và đến trưa thì nước đã băng khắp nơi. Có một số nhà nước chạm mái. Chúng tôi bất ngờ nên không di chuyển được đồ đạc gì, hơn nữa chỗ nào cũng ngập nên cũng không biết di chuyển đến đâu.
Người dân đã đành, hàng trăm học sinh trường THPT Quỳ Châu trọ học ở thị trấn Tân Lạc thì đáng buồn hơn. Trong tờ mờ sáng, giữa màn mưa nặng hạt trút xuống và dòng nước bạc cuồn cuộn dâng cao, các em đã phải dỡ ngói trèo lên mái nhà cầu cứu. Đó là toàn bộ các phòng trọ nơi hơn 40 học sinh thuê ở, vị trí ngay sau khu vực nhà trường bị ngập tới nóc nhà. Mọi đồ đạc cá nhân, quần áo và sách vở của 40 em, gồm học sinh lớp 10 đến 12 đều bị nhấn chìm trong nước lũ.
Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) Vi Văn Long cho biết: Chưa khi nào chúng tôi hứng chịu lũ to thế này. Mọi người rất bất ngờ. Xã chúng tôi có đến 5 bản bị ngập, với khoảng 146 hộ dân chịu thiệt hại.
Trong đợt mưa lũ này, các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn… cũng bị ngập nặng một số khu vực. Qua thống kê Quế Phong có 215 nhà, Anh Sơn có 60 nhà, Thanh Chương có 23 nhà, Quỳ Hợp có 185 nhà bị ngập…
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Kỳ, đến trưa 28/9, toàn huyện đã có 319 nhà dân, 2 trường học, 4 nhà văn hóa bị ngập nước. Trong đó: Kỳ Tân 106 nhà, Hương Sơn 2 nhà, Nghĩa Hoàn 37 nhà, Kỳ Sơn 30 nhà, Tân An 18 nhà, Nghĩa Hợp 2 nhà, thị trấn 16 nhà, Nghĩa Dũng 100 nhà.
Còn ở huyện Quỳ Hợp, mưa lũ cũng đã làm huyện miền núi này thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Toàn huyện có gần 200 hộ dân bị ngập nước. Ngoài ra, 685 hộ dân bị cô lập vì cầu tràn ở xóm Duộc, xã Liên Hợp bị ngập nước khiến 3 khu dân cư ở xóm Duộc và xóm Quắn bị chia cắt. Cầu tràn ở bản Hợp Tiến, xã Châu Tiến bị ngập nước dẫn đến bản Hợp Tiến bị chia cắt; cầu tạm phục vụ thi công bị sập nên các bản Thắm, bản Xiết, bản Bồn, xã Châu Lý bị chia cắt.
Qua thông tin từ cơ sở, được biết, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã chịu thiệt hại nặng nề với hơn 1.500ha lúa; 3.050,2ha hoa màu; 1.107,65ha cây công nghiệp; 27,4ha cây ăn quả, 22,2ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Gia súc bị chết, cuốn trôi: 53 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 2.335 con; 660,42ha diện tích ao hồ nhỏ bị ngập, 3 lồng cá bị cuốn trôi. Mưa lũ đã làm 1.615m đường bị sạt lở, 3 cầu loại nhỏ bị hư hỏng, 76 cầu tràn bị ngập. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở, tắc đường. Hầu hết những thiệt hại này xảy ra ở các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn…
Vì đâu nên nổi?
Lũ đang rút dần ở những điểm ngập úng, ngay ở “tâm lũ” Quỳ Châu, người dân huyện miền núi đang nỗ lực cùng các cấp ngành khắc phục hậu quả lũ lụt để ổn định cuộc sống. Nhưng, trong cơn lũ dữ, người dân nơi đây đang trĩu nặng một nỗi niềm băn khoăn.
Ông Trần Văn Sơn, tiểu thương chợ Châu Hạnh (Quỳ Châu) đặt nghi vấn: chúng tôi nghi ngờ thủy điện Sao Va ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong xả lũ trước khi có thông báo và xả lũ với lưu lượng nước lớn hơn thông báo.
Trong đợt mưa lũ này, nhiều thủy điện ở Nghệ An đã phát thông báo xả lũ. Cụ thể, vào 22h 17 phút tối 26/9, Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Quang đã phát thông báo xả lũ bắt đầu từ 2 giờ 30 phút ngày 27/9/2023 với tổng lưu lượng xả từ 20m3/s đến 90m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện các tổ máy) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng nước đến hồ.
Tiếp đó, lúc 22h 30 phút tối 26/9, Công ty cổ phần Thuỷ điện Quế Phong vận hành xả hồ chứa thủy điện Bản Cốc tiến hành xả lũ. Tổng lưu lượng xả từ 11,16m3/s - 150m3/s (Bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy) cho đến khi hết đợt mưa lũ. Cùng thời điểm này, các nhà máy thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang… cũng có thông báo vận hành điều tiết hồ chứa trong ngày 26, 27/9.
Trong khi đó, những ngày qua, tỉnh Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi đặc biệt to. Lượng mưa tính từ 7 giờ ngày 25/9 - 7 giờ ngày 27/9 đo được là 100mm-320mm, có nơi nhiều hơn 350mm như: Quỳ Châu 384mm, Đô Lương 352mm...
Tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều nhà máy thủy điện. Toàn tỉnh đang có 22 hồ chứa thủy điện vận hành khai thác. Đây cũng là tỉnh mà các huyện miền núi thường hứng chịu thảm họa thiên tai lũ lụt do mưa lớn. Vị trí các nhà máy thủy điện thường ở khu vực miền núi cao, nơi đầu nguồn các con sông. Thành ra, khi thủy điện xả lũ, cộng hưởng với lượng mưa lớn dồn dập… đã là những nghi vấn gây nên đợt ngập úng nặng nề này.
Có nhiều người nói rằng, tại sao các nhà máy thủy điện không dự đoán tình hình mưa lũ để xả lũ sớm hơn. Chức năng của hồ chứa thủy điện còn là mục tiêu cắt lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, cứ mưa lớn, nhiều nhà máy thủy điện thông báo xả lũ đã làm tăng lưu lượng nước ở khe suối, sông ngòi… cũng là nguyên nhân nghi vấn của lũ lụt.
Thiệt hại của người dân là có thật, hậu quả của lũ lụt để lại là có thật… còn có hay không thủy điện xả lũ sai giờ, sai lưu lượng nước so với thông báo thì chỉ có cơ quan chức năng mới trả lời được.