Ông Đinh Quí Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay sau mưa lũ, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra thực tế các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng để chỉ đạo các trường cùng với địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phối hợp khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo đó, các trường trung học ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ chủ động làm việc với phòng GD&ĐT các huyện, thị xã lập kế hoạch huy động lực lượng giáo viên, học sinh hỗ trợ, giúp đỡ các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, nước rút đến đâu làm vệ sinh phong quang trường lớp đến đó, sửa chữa, lau chùi bàn ghế, lớp học bị hư hỏng, phơi khô trang thiết bị ẩm ướt... Đồng thời, các trường cũng có biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em không nghỉ học sau lũ.
Tại Quảng Trị, ngành Giáo dục Quảng Trị cũng đưa ra nhiều giải pháp. Bên cạnh sự hỗ trợ của các lực lượng Công an, Bộ đội, các tổ chức đoàn thể thì ngành cũng động viên các trường phát huy nội lực thực hiện tốt “4 tại chỗ” để khắc phục những thiệt hại do lũ lụt mang lại.
Đến ngày 9/9/2019, hơn 60.000 học sinh của hơn 170 trường học trong tỉnh đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Các trường học tổ chức Lễ khai giảng năm học mới trong ngày 9/9/2019 tập trung chủ yếu ở các địa phương gồm Đakrông, Cam Lộ, TX. Quảng Trị, TP. Đông Hà các một số trường thuộc các huyện Hướng Hóa, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
Ông Dư Lý Trí, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Toàn tỉnh hiện vẫn còn 14 trường với hơn 3.500 giáo viên, học sinh ở các huyện Hương Khê và Vũ Quang chưa thể triển khai việc dạy và học do nước lũ rút chậm, nhiều tuyến đường đến trường còn bị chia cắt hoặc một số trường học chưa hoàn thành việc vệ sinh trường lớp. Việc dạy và học bù sẽ được các trường chủ động bố trí trong thời gian hợp lý để đảm bảo khung thời gian, kế hoạch của năm học.
MINH THỨ