Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Các tỉnh Bắc Trung bộ: Chủ động ứng phó thiên tai “kép”

Khánh Thư - 10:09, 29/07/2020

Các tỉnh Bắc Trung Bộ đang trải qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán gay gắt, kéo dài, xâm nhập mặn gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng từ nay đến cuối năm, dự báo khu vực này sẽ có mưa bão dồn dập. Vì vậy, các địa phương vừa phải tập trung chống hạn, vừa phải lưu ý ứng phó với mưa bão.

Người dân vùng cao cần đề phòng cảnh giác tình trạng sạt lở đất đá khi xảy ra mưa bão, dông lốc
Người dân vùng cao cần đề phòng cảnh giác tình trạng sạt lở đất đá khi xảy ra mưa bão, dông lốc

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng; trong đó riêng tháng 5/2020, chịu ảnh hưởng của 5 đợt nắng nóng diện rộng. 

Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến nay, một số nơi nhiệt độ cao nhất đã vượt giá trị lịch sử như Đô Lương (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Hà Tĩnh. Về lượng mưa, riêng tháng 5 và tháng 6/2020, tổng lượng mưa tháng thiếu hụt nhiều từ 50-80%, một số nơi trong tháng 6/2020 hầu như không có mưa như Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Mưa ít cộng với nắng nóng kéo dài khiến dung tích phần lớn các hồ thủy lợi thấp so với dung tích thiết kế. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là gần 26 nghìn ha lúa. Bên cạnh đó, xâm nhập mặn trong mùa khô đã ảnh hưởng trực tiếp khoảng 12.700ha cây trồng, tập trung chủ yếu vùng Đồng bằng sông Mã, sông Cả. Ngoài ra, hiện có khoảng 46.600 hộ dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. 

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa toàn vùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa; tập trung bơm tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000ha lúa bị hạn; áp dụng quy trình tưới luân phiên. 

Trước mắt, các địa phương Bắc Trung Bộ cần tập trung cứu gần 26 nghìn ha lúa bị hạn
Trước mắt, các địa phương Bắc Trung Bộ cần tập trung cứu gần 26 nghìn ha lúa bị hạn

Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt; về lâu dài ngành Nông nghiệp các tỉnh trong khu vực phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong vụ Hè - Thu, vụ Mùa khoảng 5.319ha; trong đó, Thanh Hóa chuyển đổi gần 3.000ha lúa sang trồng ngô, rau màu các loại… có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Nguyễn Như Cường, thời gian tới các tỉnh Bắc Trung Bộ cần tập trung rà soát, đánh giá xác định các vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi, vùng chuyển đổi linh hoạt và vùng đặc thù tại địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả và bền vững.

Khi đang căng mình chống nắng hạn, thì các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng phải lưu ý đến tình hình mưa bão trong thời gian sắp tới. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, từ tháng 8 đến tháng 12/2020, có khả năng xuất hiện khoảng 9 đến 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm của bão, áp thấp nhiệt đới.

Tại Hội nghị “Tăng cường ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai Khu vực Bắc Trung Bộ” diễn ra ở Nghệ An ngày 22/7 mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, khu vực Bắc Trung Bộ là vùng rất đặc thù thiên tai. Hiện, các địa phương trong vùng phải thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa chống hạn lập tức bây giờ, vừa triển khai khẩn trương tinh thần ứng phó với mưa lũ.

Tin cùng chuyên mục
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, nhiều sản phẩm vùng DTTS đã được công nhận OCOP, góp phần phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm.