Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Các tỉnh miền Trung khẩn cấp sơ tán dân tránh bão Noru

Nguyệt Anh - 16:34, 26/09/2022

Khẩn trương ứng phó với cơn bão số 4 (có tên quốc tế là bão Noru) một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, các tỉnh, thành miền Trung đang khẩn trương tổ chức di dời dân, tài sản đến nơi an toàn tránh trú bão, kết thúc trước lúc bão đổ bộ (dự kiến ngày 28/9).

Lãnh đạo xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) trực tiếp đến các hộ dân, đề nghị bà con gia cố, giằng chống nhà cửa, chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Lãnh đạo xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) trực tiếp đến các hộ dân, đề nghị bà con gia cố, giằng chống nhà cửa, chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Thừa Thiên Huế: Lên phương án di dời gần 100.000 người dân

Chiều 25/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát đi công điện chỉ đạo khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương, chủ động có các biện pháp ứng phó với bão Noru. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn, với số lượng dự kiến là 26.255 hộ, 99.424 nhân khẩu.

Lãnh đạo tỉnh TT-Huế lưu ý, các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế nhận chỉ đạo từ UBND tỉnh về việc khẩn trương thực hiện phương án dự trữ về lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai, với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.

Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Đà Nẵng: Di dời người dân đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều 26/9

Để ứng phó với cơn bão Noru (bão số 4) chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu đến trước 17 giờ chiều nay, (26/9), tất cả các địa phương tổ chức di dời, sơ tán toàn bộ người dân tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… đến nơi ở an toàn.

Đà Nẵng hoàn thành sơ tán hàng chục nghìn người dân đến nơi an toàn tránh bão số 13 (Ảnh Huy Đạt)
Đà Nẵng hoàn thành sơ tán hàng chục nghìn người dân đến nơi an toàn tránh bão số 13 (Ảnh Huy Đạt)

Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), ngay từ sáng sớm 26/9, lực lượng chức năng đã đến tận nhà những hộ dân thuộc diện nhà tạm, không kiên cố… trên địa bàn để rà soát, vận động người dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

Cũng trong thời điểm này, người dân sống tại ven biển phường Thọ Quang đang hỗ trợ lẫn nhau dùng những vật dụng như: dây thừng, bao cát… để gia cố tài sản. Các hộ cũng chuẩn bị nhu yếu phẩm để đến nơi trú bão an toàn.

Tại khu vực Suối Đá, hiện có 18 hộ gia đình đang sinh sống. Hầu hết các gia đình thuộc diện di dời nhà cửa đều tạm bợ, không bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

Người dân được lực lượng chức năng vận động ký cam kết chấp nhận sơ tán trước 17 giờ cùng ngày.

Ngay trong tối ngày 25/9, nhiều lực lượng công an, bộ đội, thanh niên đã nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng xung yếu chằng chắn mái tôn, cửa ngõ và di dời toàn bộ thuyền thúng, tàu cá vào bờ an toàn. Toàn bộ tàu du lịch trên sông Hàn đã được di dời vào khu vực tránh trú bão an toàn.

Trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh quyết định cho toàn bộ học sinh thành phố gồm trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ chiều thứ hai ngày 26/9 đến khi có thông báo đi học lại của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão, thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.

Các trường đại học tư thục theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão.

Các cơ quan, công sở nghỉ làm từ trưa mai (ngày 27/9) trừ lực lượng làm nhiệm vụ và phòng, chống bão lụt. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức 20 đội cơ động cứu hộ cứu nạn với 500 cán bộ, chiến sĩ, 3 xe bọc thép lội nước, sẵn sàng cứu dân ở bất cứ thời điểm nào, ở đâu trên địa bàn thành phố. Sở Y tế tổ chức 15 tổ cấp cứu lưu động, 15 xe cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu người bị nạn do bão, lũ.

Quảng Nam: Sơ tán 400.000 dân trước 9h ngày 27/9

Ngày 26/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành địa phương về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru. Chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương đình hoãn những cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.

Lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên động viên người dân trước giờ sơ tán. Ảnh: Quốc Tuấn
Lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên động viên người dân trước giờ sơ tán. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Quảng Nam dự kiến sơ tán, di dời hơn 400.000 người dân khi bão đổ bộ. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9.

Các đơn vị đảm bảo lương thực, nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch...

Cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Địa phương cũng ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ), cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Công việc này phải hoàn thành trước 12h ngày 27/9.

Tùy diễn biến của bão và mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học.

Quảng Ngãi: Hoàn thành di dời, sơ tán dân trước 10 giờ ngày 27/9

Tối 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký ban hành Công điện khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó bão và mưa lũ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ di dời 24.571 hộ/84.426 khẩu tại các huyện, thị ven biển đến nơi trú ẩn an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày 27/9.

Tỉnh Quảng Ngãi lên phương án di dời trên 84 nghìn dân trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền (Ảnh: Quốc Triều).
Tỉnh Quảng Ngãi lên phương án di dời trên 84 nghìn dân trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền (Ảnh: Quốc Triều).

Địa điểm sơ tán dân phải đảm bảo lương thực, thực phẩm vệ sinh môi trường; các địa phương triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường khi bão đổ bộ. Kiểm soát chặt các công trình đang thi công, tích nước, di dời phương tiện máy móc đến nơi an toàn. Riêng với thành phố Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ triển khai các phương án khơi thông, đảm bảo tiêu thoát nước hạn chế ngập úng đô thị.

Chiều 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã cho phép học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các trường học huy động lực lượng chằng chống phòng, lớp, trường học, cắt tỉa cây xanh trong sân trường, chuyển tài liệu, thiết bị đồ dùng dạy học về nơi an toàn, tổ chức trực 24/24 giờ để nhận nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền về phòng, chống bão Noru.

Phú Yên: Chuẩn bị chu đáo để đảm bảo an toàn về người và tài sản

Ngày 25/9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động ngay các kịch bản ứng phó với bão Noru.

Theo dự báo, Phú Yên nằm trong khu vực được cảnh báo có mức độ rủi ro do thiên tai ở cấp độ 3, địa phương có thể phải chịu những thiệt hại do ngập lụt ở khu vực trũng thấp; triều cường ở khu vực ven biển.

Người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đưa lồng nuôi thủy sản đã thu hoạch lên bờ nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: ANH NGỌC
Người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đưa lồng nuôi thủy sản đã thu hoạch lên bờ nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra. (Ảnh: ANH NGỌC)

Tại các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người thường xuyên làm việc và canh giữ. Nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và lồng bè nuôi thủy sản thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Chính quyền địa phương sớm thông báo cho các chủ lồng bè nuôi thủy sản chằng néo hoặc đưa vào khu vực an toàn. Trước khi bão vào đất liền, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè này. Những nơi trước đây đã xảy ra ngập lụt cần chủ động lên phương án sơ tán người dân khi cần thiết. Đối với hơn 400ha lúa vụ hè thu còn lại cần được thu hoạch sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.