Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Các tỉnh miền Trung: Nguy cơ thiếu điện, thiếu nước sản xuất

Thành Nhân - 09:30, 31/03/2020

Do nắng hạn kéo dài nên lượng nước về hồ chứa bị thiếu hụt trầm trọng, không ít nhà máy thủy điện ở miền Trung đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc cung cấp điện, mà còn ảnh hưởng đến công tác chống hạn mùa khô sắp tới.

Thủy điện Đăkđrinh ở Quảng Ngãi đang thiếu nước trầm trọng
Thủy điện Đăkđrinh ở Quảng Ngãi đang thiếu nước trầm trọng

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 10 dự án thủy điện đã đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất hơn 230MW. Nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy chỉ hoạt động bình quân 30% công suất thiết kế. 

Đơn cử như Nhà máy Thủy điện Sơn Tây, có công suất thiết kế 18MW, bao gồm 2 tổ máy phát điện, lượng điện trung bình sản xuất 70 triệu kWh/năm. Hiện nhà máy chỉ phát 1 tổ máy, nhưng cũng chỉ được 5 giờ/ngày. 

Kỹ sư Nguyễn Đăng Hinh, Phòng Quản lý cơ điện-Nhà máy Thủy điện Sơn Tây, cho biết: “Do thời tiết nắng nóng, lưu lượng nước trung bình về hồ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Có hôm chỉ phát được vài giờ, sản lượng điện hòa lưới không đáng kể”.

Còn đối với Nhà máy Thủy điện Đăkđrinh - thủy điện lớn nhất Quảng Ngãi tháng 1/2020, chỉ tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho nhà máy là 24 triệu kWh, nhưng thực tế không phát được kWh nào. Các tháng 2, 3/2020, chỉ tiêu giao đến 26 triệu kWh, nhưng khó lòng đạt được 50% chỉ tiêu giao.

Kỹ sư Nguyễn Duy Phong, Phó Quản đốc Phân xưởng vận hành sửa chữa điện - Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh, cho biết: “Lượng nước trong hồ có thể phát điện được, nhưng vì công tác vận hành hồ chứa Đăkđrinh còn phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về bảo đảm nước tưới cho hạ du, nên không thể bất chấp mà vận hành phát điện. Nhà máy thực sự rất khó khăn”. 

Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam, tình hình thiếu hụt nguồn nước cũng khá trầm trọng. Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, ông Lê Đình Bản thông tin: Hơn 1 tháng nay, mỗi ngày lượng nước chảy về hồ khoảng 25 đến 30m3/giây, thấp hơn nhiều so cùng kỳ các năm trước. Nhà máy đã dừng 2 tổ máy, chỉ phát những giờ cao điểm để bảo đảm an ninh năng lượng.

“Cũng như thủy điện Sông Bung 4, Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có dung tích hồ chứa 73,4 triệu m3, nhưng đến nay mới tích được 46,5% dung tích thiết kế”, ông Bản cho biết thêm.

Còn Nhà máy Thủy điện A Vương ở huyện Đông Giang nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn. Theo ông Vương Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, hiện lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 40% so các năm trước. 

“Vừa qua, nhà máy phải dừng phát điện theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng để tích nước, bảo đảm phục vụ việc điều tiết nước cho hạ du trong mùa khô năm 2020. Do vậy, sản lượng điện sản xuất năm 2019 của nhà máy chỉ được 315 triệu kW giờ, đạt 62% sản lượng điện theo kế hoạch, thấp nhất trong 11 năm phát điện”, ông Vương cho hay.

Các chuyên gia, dự báo, tình hình nắng hạn trong năm 2020 có thể kéo dài và ngày càng khốc liệt hơn. Do vậy, để giải quyết bài toán hài hòa giữa vận hành phát điện và điều tiết nước cho sản xuất, sinh hoạt ở vùng hạ du cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, chính quyền và người dân trong khu vực về sử dụng nguồn nước sao cho hợp lý, tiết kiệm. Tuy nhiên, về lâu dài, các bộ, ngành cần phối hợp các địa phương rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống thủy điện ở khu vực miền Trung, tránh phát triển tràn lan, kém hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục