Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV người DTTS: Quyết tâm hành động vì sự phát triển vùng DTTS và miền núi

Thúy Hồng - 11:35, 14/05/2021

Trong những ngày qua, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV là người DTTS đã và đang thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử. Chương trình hành động của các ứng cử viên đều tập trung vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển xin giới thiệu về Chương trình hành động của một số ứng cử viên người DTTS.

Bà Trương Thị Kim Huệ, (người mặc áo xanh hàng trên cùng, thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh cùng các thầy cô và học sinh của Trường THCS Kiệt Sơn
Bà Trương Thị Kim Huệ, (người mặc áo xanh hàng trên cùng, thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh cùng các thầy cô và học sinh của Trường THCS Kiệt Sơn

Ứng cử viên Trương Thị Kim Huệ: Góp sức giải quyết một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Ứng cử viên Trương Thị Kim Huệ, dân tộc Mường, sinh năm 1987, giáo viên trường THCS Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Cô Huệ tốt nghiệp Đại học sư phạm Hùng Vương Việt Trì, Phú Thọ.

Là ứng cử viên nữ, người DTTS nên tôi thấu hiểu những khó khăn thiếu thốn ở vùng DTTS và miền núi. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất quy mô còn nhỏ, thiếu vốn đầu tư, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế….

Bởi vậy, nếu được cử tri tín nhiệm trở thành ĐBQH khoá XV, tôi sẽ cùng với đoàn ĐBQH tỉnh tích cực đề xuất với Quốc hội và các cơ quan hữu quan tăng cường hơn nữa những chính sách ưu tiên cho đồng bào DTTS; thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực miền núi; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống, sức khỏe của Nhân dân.

Với vai trò giáo viên, tôi quan tâm nhiều đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Tôi sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu thực trạng công tác giáo dục, chủ động tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của phụ huynh, học sinh, nhất là ở vùng đồng bào DTTS để tập hợp, phản ánh, đề xuất, kiến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách đổi mới, đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, là ứng cử viên nữ người DTTS, tôi cũng rất quan tâm và mong muốn góp tiếng nói của mình vào việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Tôi sẽ quan tâm giám sát và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách về vấn đề bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền trẻ em... góp phần loại trừ nạn bạo hành trong gia đình, chống nạn buôn bán phụ nữ và xâm phạm quyền trẻ em.

Ứng cử viên Phạm Trọng Nghĩa: Chú trọng giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS

Ứng cử viên Phạm Trọng Nghĩa, sinh năm 1978, dân tộc Tày. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học lập pháp của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông sinh ra và lớn lên tại huyện Phù Yên (Sơn La). Ông đã bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ Luật học tại Vương quốc Anh; hoàn thành Chương trình Nghiên cứu Sau Tiến sĩ tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ và Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

Ông Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn
Ông Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

Nếu được cử tri tin tưởng, bầu là ĐBQH khóa XV, tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, sẽ chủ động, tích cực tham gia góp ý sâu sắc, thiết thực trong việc xây dựng Luật về dân tộc thiểu số; cũng như trong thẩm định việc lồng ghép chính sách dân tộc vào các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia.

Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan hữu quan tập trung ngân sách để ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống  đồng bào DTTS và miền núi; bảo vệ phát triển rừng gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người DTTS.

Đối với hoạt động giám sát, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhất là việc thực hiện 02 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội là Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ứng cử viên Nông Minh Thắng: Quan tâm đến vấn đề thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới.

Ứng cử viên Nông Minh Thắng, dân tộc Tày, sinh năm 1981; quê quán xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông hiện giữ chức vụ Trưởng phòng Tổng hợp, Phó Bí thư Chi bộ phòng Tổng hợp, Văn phòng Tỉnh uỷ Cao Bằng.

Ông Nông Minh Thắng (đầu tiên bên trái) trò chuyện với cử tri của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Ông Nông Minh Thắng (đầu tiên bên trái) trò chuyện với cử tri của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Sinh ra và lớn lên ở vùng DTTS và miền núi, biên giới, tôi nhận thấy đời sống của người dân khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tôi mong muốn trở thành ĐBQH để có điều kiện góp phần cùng Quốc hội, đưa ra các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng biên giới.

Nếu được bầu là ĐBQH, tôi sẽ tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn khi là ĐBQH như: tham gia đầy đủ các các kỳ họp của Quốc hội, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, của cử tri để phản ánh đầy đủ, trung thực với Quốc hội, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội; phối hợp xem xét giải quyết những đề nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân theo thẩm quyền.

Là người con tỉnh Cao Bằng tôi sẽ sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh tham mưu triển khai có hiệu quả đề án phát triển kinh tế cửa khẩu, nhằm phát huy tối đa lợi thế 333km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu. 

Tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022, phấn đấu đến hết năm 2022, hoàn thành 100% xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân.


Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.