Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Các xã bãi ngang ở Cà Mau: Khó về đích nông thôn mới bởi tiêu chí môi trường

PV - 14:47, 13/05/2019

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước thường gặp khó về tiêu chí giảm nghèo. Tuy nhiên, ở các xã vùng ven biển, bãi ngang, trong đó điển hình là tỉnh Cà Mau, tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) đang cản bước nhiều xã về đích NTM…

Xã bãi ngang ven biển Khánh Tiến vẫn chưa đạt tiêu chí Môi trong xây dựng NTM. Xã bãi ngang ven biển Khánh Tiến vẫn chưa đạt tiêu chí Môi trong xây dựng NTM.

Khó đạt chuẩn do thói quen

Qua thực tiễn triển khai xây dựng NTM ở Cà Mau, hầu hết các địa phương đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh đều đánh giá, môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt và dễ hụt chuẩn nhất. Để đạt được tiêu chí này, các địa phương cần hoàn thành 5 chỉ tiêu: Có từ 95% số hộ trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% số hộ được sử dụng nước sạch, đáp ứng quy chuẩn quốc gia; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh-sạch-đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt trên 85%...

Trong thực tế, một số xã điển hình đạt chuẩn NTM, chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn thấp hơn nhiều so với các tiêu chí khác do những thói quen của người dân ít quan tâm đến cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; thậm chí thói quen này còn ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít người.

Chỉ tiêu cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường cũng đang gặp khó. Tại các địa phương, nhiều cơ sở vẫn có dấu hiệu sai phạm trong quá trình xử lý chất thải, đặc biệt là các cơ sở nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình. Về chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan xanh-sạch-đẹp, do đây là chỉ tiêu không định tính, chủ yếu phát động và thực hiện trên tinh thần tự nguyện nên chất lượng không đồng đều…

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch UBND, kiêm Phó Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Khánh Tiến (U Minh), cho biết: Ở địa phương, theo quy hoạch để đạt tiêu chí thứ 17, xã Khánh Tiến có quy hoạch nghĩa trang Nhân dân với diện tích 5.000m2. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán của địa phương, hầu hết hộ dân có người thân chết đều tự chôn cất phần đất gia đình, thậm chí gần nơi sinh hoạt hằng ngày sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch cũng ít có xã đạt tỷ lệ cao, nếu đạt chỉ trội hơn quy định. Ở xã Khánh Tiến dù nỗ lực giải quyết, tiêu chuẩn này chỉ đạt 90,28% (theo quy định trên 85%).

Cần nâng cao nhận thức của người dân

Xã bãi ngang ven biển Khánh Hội (U Minh) hiện cũng “đuối” sức với tiêu chí môi trường. Với lộ trình đề ra, xã sẽ tập trung thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ đạt 5 tiêu chuẩn trong tiêu chí 17 còn thấp so với quy định, đơn cử như quy định phải đạt 100% tỷ lệ hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng đến nay chỉ đạt 70%.

Ông Châu Minh Đãm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội chia sẻ: “Với điều kiện đặc thù vùng sông nước, xưa nay bà con có thói quen xây dựng chuồng, trại, cầu vệ sinh ven sông, đây cũng là trở ngại lớn của xã trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng xã sẽ quyết tâm vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện đạt tiêu chí này trong thời gian tới”.

Tiêu chí môi trường được xem là cần ít vốn đầu tư, nhưng khó đạt và dễ “tụt dốc”. Minh chứng là nhiều xã dù đã đạt chuẩn tiêu chí số 17 nhưng vẫn phải “chạy hụt hơi” để giữ chuẩn. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau cho hay: Thời gian qua, các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng do tập quán lâu đời, thói quen khó bỏ, ví như dù nhà đã có xây nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng bà con vẫn có thói quen bắc thêm cầu tiêu trên ao cá để dùng. Hoặc là do tập quán sinh sống, người dân ở một số địa phương không có điểm tập kết rác nên xả rác thải ra ven sông, rạch.

Qua khảo sát, đánh giá, hầu hết 5 xã chỉ đạo điểm về xây dựng NTM của tỉnh năm 2018 đều “hụt” về tiêu chí môi trường, vì vậy, cho tới thời điểm này vẫn chưa trao quyết định cho xã điểm nào, dù đã đạt 19/19 tiêu chí.

Hiện nay, các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư phân bố không đồng đều nên rác thải của các hộ gia đình hầu như chưa được thu gom xử lý. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, không phải chuyện một sớm một chiều mà có lẽ cần có thêm thời gian.

H.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.