Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Cách làm hay để kết nối tiêu thụ nông sản

Nghĩa Hiệp - 09:52, 13/10/2020

Gần 1 năm trở lại đây, gian hàng của chị Phúc Thị Hương tại số 368 - đường 17/8, phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) đã trở thành điểm đến quen thuộc của khách hàng cũng như các hợp tác xã (HTX). Bởi đây là điểm kết nối, tiêu thụ nông sản địa phương với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm của HTX Năng Khả, Na Hang, Tuyên Quang được tiêu thụ qua việc kết nối bán hàng.
Các sản phẩm của HTX Năng Khả, Na Hang, Tuyên Quang được tiêu thụ qua việc kết nối bán hàng.

Từ tình yêu dành cho nông dân

Từ những năm 2015 - 2016, món thịt chua dân tộc Tày của chị Phúc Thị Hương đã được nhiều người biết đến. Nhận thấy nhu cầu của thị trường về mặt hàng này lớn, chị Hương đã chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. “Ban đầu, tôi mang sản phẩm đi kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì chưa có vốn mở cửa hàng nên tôi bán hàng qua mạng xã hội để tích lũy vốn”, chị Hương nhớ lại.

Nhờ khai thác tốt thị trường, chị Hương không chỉ dừng lại ở sản phẩm thịt chua mà mở rộng thêm đối với các sản phẩm như: Nem chua, nem nắm, xúc xích tươi, pa tê… Các sản phẩm đều được chế biến từ thịt lợn đen, nuôi sạch tại địa phương. Các sản phẩm đều được chị liên kết với các đơn vị vận chuyển giao trực tiếp đến tay khách hàng trong tỉnh.

Khi đã đủ vốn xây dựng cửa hàng mơ ước và có một lượng khách ổn định, chị quyết tâm mở một cửa hàng thực phẩm sạch để đưa sản phẩm quê hương mình ra thị trường ngoài tỉnh. Đồng thời, giúp người dân các huyện vùng cao kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Những ngày đầu cửa hàng đi vào hoạt động, chị Hương ấn tượng nhất với anh khách hàng có tên Phan Thanh Ngọc, ở xã Năng Khả, huyện Na Hang. Trong cái nắng như đổ lửa của tiết trời tháng 5, anh Ngọc đi chạy xe máy hơn 150km, mang theo 100 quả trứng gà, cùng 20 chiếc làn làm bằng cây guột do phụ nữ trong bản của mình làm ra để mang đến nhờ chị Hương giới thiệu sản phẩm.

“Chính hình ảnh của anh Ngọc đã giúp tôi có động lực để khẳng định mục tiêu của mình. Tôi tìm đến các HTX trên địa bàn tỉnh, mời bà con cùng nhau kết nối để tiêu thụ sản phẩm địa phương. Chưa đầy 1 tháng sau, cửa hàng của tôi đã kết nối, tiêu thụ nhiều sản phẩm cho bà con, như: Rau VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Khau Tinh; chè Shan Na Hang của HTX Sơn Trà (Na Hang); cá tép dầu Thượng Lâm, chè Shan Thổ Bình (Lâm Bình)…

Đưa nông sản của đồng bào đến người tiêu dùng

Đến nay, thị phần cửa hàng của chị Hương đã mở rộng, có thêm khách hàng từ các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng… Doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 100 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, chị thu lãi khoảng 15 - 20% trên tổng doanh thu.

Hiện, chị đang tiếp tục làm việc với các HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn để lựa chọn các sản phẩm phù hợp giới thiệu đến người tiêu dùng. Cùng với đó, chị hướng dẫn người dân địa phương chủ động, giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội, vừa để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, vừa để kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần tạo nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình…

Điển hình như HTX Năng Khả đã thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản thành công với sản lượng bình quân mỗi tháng xuất bán trên 2 vạn con gà, vịt, ngan giống và nhiều loại rau đặc sản khác, tạo thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. 

Với việc chia sẻ những thành công, cùng phương thức kết nối, tiêu thụ sản phẩm chủ động của chị Phúc Thị Hương đã tạo ra những kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm mới cho nông sản địa phương. Những nghề truyền thống, những nông sản, đặc sản từ các vùng quê đã có cơ hội đến với nhiều người tiêu dùng.

Đây chính là cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi địa phương vùng miền núi, DTTS trong việc kết nối tiêu thụ nông sản.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.