Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP ở Hà Nội: Nỗ lực khơi thông các “điểm nghẽn”

Khánh Thư - 15:03, 03/09/2020

Sau gần 2 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Hà Nội đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp sao. Nhưng để sản phẩm OCOP tìm được chỗ đứng trên thị trường không phải là việc dễ dàng.

Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) diễn ra hồi tháng 7/2020
Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) diễn ra hồi tháng 7/2020


Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì có 2 trại chăn nuôi ở xã Tản Lĩnh và Cam Thượng (huyện Ba Vì) với diện tích 3,5ha, quy mô hàng nghìn con lợn, con gà mỗi năm. Trung bình mỗi tháng, trang trại giết mổ khoảng 200 con gà và 150 con lợn, vừa cung ứng thịt ra thị trường, vừa chế biến các sản phẩm giò, chả...

Năm 2019, doanh nghiệp này đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Nội. Sản phẩm của Công ty cũng đã tham gia hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Hà Nội, đăng ký nhãn hiệu “Lợn ốc quế”. Thế nhưng, việc liên kết với DN bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì cho biết: “Chúng tôi muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào?”.

Thực tế cho thấy, không chỉ Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì mà nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP đều mong muốn được đưa sản phẩm của mình vào siêu thị, chuỗi cửa hàng. Nhưng họ đều gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ ổn định, tạo giá trị cao cho sản phẩm.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng đang “khát” các sản phẩm OCOP. Như chia sẻ của ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội, phía Big C đánh giá cao sản phẩm OCOP vì tính khác biệt của sản phẩm, do đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn mang trong mình giá trị truyền thống.

“Nhưng các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất không ổn định và thường xuyên bị đứt hàng. Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại như Big C”, ông Hà cho biết.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Centra Retail (doanh nghiệp đang quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C), mặc dù Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng theo quy định, để đưa hàng hóa vào hệ thống đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. 

“Quy định là vậy nhưng hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại”, bà Phương phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Do đó, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng này về khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chợ thương mại điện tử của Thành phố.

Theo Kế hoạch số 100/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về triển khai mô hình chỉ đạo điểm Chương trình OCOP năm 2020, Thành phố sẽ tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng, miền tại các tuyến phố đi bộ của TP. Hà Nội. Trong đó, tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng, miền; đồng thời, giới thiệu một số sản phẩm đặc sản của một số doanh nghiệp nước bạn như: Lào, Thái Lan, Nhật Bản...

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.