Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Cách nuôi bào ngư thương phẩm đạt hiệu quả cao

Như Ý - 10:36, 22/10/2021

Bào ngư là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều giá trị kinh tế lớn cho người nuôi. Không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà bào ngư còn là vị thuốc quý hiếm. Trên thị trường bào ngư đang được bán từ 500.000-700.000đ thậm chí còn cao hơn. Do đó, nhu cầu nuôi bào ngư đang nở rộ ở các tỉnh ven biển. Vậy để bào ngư thương phẩm phát triển khỏe mạnh, đạt năng suất cao người nuôi cần quan tâm đến các vấn đề sau đây.

Bào ngư là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều giá trị kinh tế lớn cho người nuôi.
Bào ngư là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều giá trị kinh tế lớn cho người nuôi.

Chọn con giống

Cũng giống như những loài hải sản khác, việc chọn bào ngư giống có chất lượng, khỏe mạnh, không dị hình, độ bám khỏe,… sẽ quyết định đến năng suất vụ nuôi. Vì thế, bà con chỉ nên mua con giống ở những trung tâm uy tín để con giống không bị mang mầm bệnh.

Thả nuôi

Bà con có thể thả bào ngư giống quanh năm, tuy nhiên cần lưu ý là không nên thả giống vào thời điểm nắng nóng hay mưa bão, đồng thời khi vận chuyển con giống nên chọn lúc chiều mát hoặc buổi tối để tránh gây stress cho bào ngư. Nên thả giống vào lúc chiều tối muộn khi thời tiết mát mẻ với mật độ 5-10 con/m2.

Bào ngư là loài hải sản nước mặn nên nguồn nước phù hợp để nuôi bào ngư phải có độ mặn cao và ổn định trong khoảng 29-32‰, nhiệt độ thích hợp từ 18-30 độ C, pH từ 7.5 - 8.5, oxy hòa tan >5mg/l,…

Mô hình và kỹ thuật chăm sóc

Có 3 mô hình nuôi bào ngư phổ biến nhất hiện nay là: nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đã (hoặc rạn san hô) dọc bờ biển.

Nuôi bằng lồng trong bể xi măng

Lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ, kích thước 50 x 40 x 30 cm, treo trong bể xi măng hoặc xếp trồng lên nhau cách đáy 20 cm. Bể xi măng hình chữ nhật diện tích 10 x 2 x 1 m, có mái che nắng, xung quanh để trống, trong đó có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn: nhiệt độ 26 – 30 C, độ mặn 30 – 35 phần ngàn, độ pH = 7,6 – 8,7, ôxy hoà tan 5 ml/lít.

Cho ăn: dùng rong mơ thái vụn 1cm hoặc rong câu chỉ vàng, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa, với hệ số 16:1. Tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể với tốc độ 10 lít/phút để kích thích bào ngư ăn và sinh trưởng. Hàng ngày thay 20 – 30 cm nước trong bể, vớt xác chết, thức ăn thừa trong lồng. Hàng tháng thay 100% nước, thay lồng và chuyển sang bể nuôi mới.

Mật độ nuôi: 60 – 100 con/lồng kích cỡ 100 mm trở lên. Khi bào ngư nuôi đạt kích thước 20 – 25 mm thì san lồng nuôi với mật độ 30 con/lồng.

Nuôi bằng lồng treo bè ngoài biển

Vị trí nuôi: bào ngư nuôi ở vùng tương đối kín gió, không có sóng lớn (không làm hỏng lồng nuôi và bè), độ mặn ổn định 30 – 35 0/00, xa cửa sông, không có nước ngọt chảy vào và có dòng chảy lưu thông, độ sâu 6 – 8 m.

Lồng nuôi: sử dụng lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ (3 – 4 mm), kích thước 50 x 40 x 30 cm có dùng móc nhựa gài nắp để tiện cho việc kiểm tra và cho ăn. Lồng được treo trên bè nổi cách nhau 0,5 m và ở độ sâu 2 – 5 m.

Bè nuôi: có thiết kế và quy cách như bè nuôi tôm hùm. Có thể nuôi tôm hùm ở dưới, nuôi bào ngư ở lớp nước trên. Bè nuôi thiết kế di động để có thể di chuyển khi mưa bão, sóng lớn.

Mật độ nuôi 60 – 100 con/lồng (cỡ 10 mm trở lên). Khi bào ngư đạt 20 – 25 mm san lồng nuôi mật độ 30 con/lồng.

Cho ăn: rong câu chỉ vàng, rong mơ thái vụn, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa.

Vệ sinh lồng nuôi: sau 1 tuần nuôi, dùng bàn chải cọ kỹ lồng nuôi, diệt trừ địch hại, vớt thức ăn thừa, xác bào ngư chết… Hàng tháng thay lồng nuôi mới.

Nuôi thả đáy trên bãi đá dọc bờ biển

Vị trí nuôi: nuôi bào ngư ở vùng trung triều có độ sâu khi triều xuống cạn còn 1 – 2 m nước, độ mặn cao và ổn định 30 – 35 0/00, dòng chảy tương đối (5 m/giây), không có nước ngọt chảy vào, xa cửa sông. Đáy đặc biệt là đá tảng hay rạn san hô để bào ngư ẩn trốn và nhiều tảo, rong…

Thức ăn: ngoài các loại rong, cần rải định kỳ rong câu chỉ vàng (5 – 7 ngày/lần) để tăng cường thức ăn cho bào ngư, rải vào 4 – 5 giờ chiều tối để bào ngư ra ăn.

Cách thả giống: trước khi thả phải ương bào ngư giống trong bể xi măng từ 3 – 5 mm cho tới khi bào ngư được 15 mm thì thả giống. Thả vào lúc 6 – 9 giờ sáng. Để bào ngư bám vào bản tảo rồi thả xuống vùng nuôi, sau đó bào ngư phát tán ra xung quanh.

Mật độ nuôi: 15 – 20 con/lồng. Trước khi thả phải lặn bắt hết địch hại như sao biển, bạch tuộc… Thả thức ăn rong tảo xuống, kiểm tra định kỳ tỉ lệ sống chết của bào ngư.

Thu hoạch

Thông thường, sau khi nuôi từ 24-30 tháng bào ngư đạt cỡ thương phẩm 40-50 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Nên thu tỉa những con bào ngư đạt kích cỡ, những con nhỏ hơn nên tiếp tục nuôi. Thu hoạch bào ngư lúc thủy triều xuống thấp nhất và thời tiết mát mẻ./.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây xoài sai quả

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây xoài sai quả

Xoài là cây ăn quả nhiệt đới, được trồng nhiều ở nước ta hiện nay. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, tuy nhiên, để cây đạt được năng suất cao đòi hỏi phải chăm sóc đúng kỹ thuật. Sau đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài đạt năng suất cao mời bà con tham khảo.