Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Hoàng Quý - 14:24, 01/06/2022

Sáng 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 trong 2 ngày 1 và 2/6.

Trước đó, vào sáng ngày 23 và 24/5, Quốc hội đã nghe 2 báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung nêu trên đã được thảo luận tại tổ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Các ý kiến thảo luận tại tổ đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp nối kết quả thảo luận tại tổ để tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm đã nêu trong các Báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; đồng thời ghi nhận Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các Nghị quyết phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội. Một số đại biểu đưa ra ý kiến về: Đề nghị Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; cần giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất…

Dưới đây là một số ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai): Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành 6 nhóm vấn đề để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.

Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Qua phương tiện truyền thông và tiếp xúc cử tri cho thấy một số hiện tượng, như tăng giá học phí đại học, tăng giá sách giáo khoa, chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất khó khăn, định mức hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng còn thấp, việc thực hiện bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến các vấn đề trên.

Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng cho vùng Tây Nguyên; cần có sự phân bổ nguồn vốn hợp lý để phát triển các sản phẩm hàng hóa, phát triển dịch vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): Đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, đại biểu đã chỉ ra những khó khăn nhất định, như giá vật tư đầu vào phân bón tăng ở mức cao so với bình quân hằng năm do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; giá xăng dầu, chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững; tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào như giá phân bón, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu… Đồng thời có những giải pháp đấu tranh quyết liệt về gian lận thương mại, nhất là đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chú trọng việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi).

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên): Tháo gỡ khó khăn bảo đảm kinh tế phát triển bền vững

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Theo đại biểu, về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

Trong khi đó, đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn. Việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết, để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.