Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cảm xúc ngày Quốc khánh

Nguyễn Thanh - 03:12, 30/08/2024

Chuyến công tác cuối tháng 8 của chúng tôi ở miền biên giới xứ Nghệ mang một cảm xúc khác lạ. Không phải nắng thu như mật ong dát vàng, trải dài khắp triền núi, bản làng; hay những nương ngô, đồi chè mướt xanh và cả rừng keo lấp lóa… ; mà chính sắc đỏ của những lá Quốc kỳ phần phật trong nắng gió biên thùy mới là nốt thăng của bản hợp âm núi rừng, reo vui trong ngày cả dân tộc kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh.

Không khí chào đón tết Độc lập đã rộn rã ở các huyện miền Tây xứ Nghệ - ảnh: Đình Tuân
Không khí chào đón Tết Độc lập đã rộn rã ở các huyện miền Tây xứ Nghệ - Ảnh: Đình Tuân

Xe lăn bánh ngược lên cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), trong ánh thu vàng. Cữ thời gian này, tiết trời không đến nỗi chói chang như ngày hạ, cũng chưa ở mức xám xịt như ngày đông. Còn trên ruộng nương, lúa cũng đã thu hoạch xong. Đâu đó đã nghe tiếng khèn, tiếng sáo dìu dặt; vọng về từ những bản làng xen lẫn những vạt rừng xanh thẫm.

Nhiều tuyến đường liên xã, liên bản đã được các bạn trẻ biến thành những "đường cờ" - Ảnh: Đào Thọ
Nhiều tuyến đường liên xã, liên bản đã được các bạn trẻ biến thành những "đường cờ" - Ảnh: Đào Thọ

Đang say sưa theo cảnh sắc tươi vui ấy, anh bạn đi cùng bảo: Chuyến này mình đi, đã gần tới ngày Quốc khánh, dễ mà được thấy hội chọi bò của người Mông; người Thái và người Khơ Mú cũng ăn Tết Độc lập to lắm nhé.

Công tác ở Nghệ An đã lâu, cũng từng “cắm bản” miền biên xứ Nghệ, nhưng hội chọi bò dịp Tết Độc lập, Tết Nguyên đán của người Mông, với chúng tôi vẫn đầy mê hoặc và kỳ thú. Còn nhớ, mấy năm trước, lên Kỳ Sơn dịp Tết Độc lập, đã tận mắt xem hội chọi bò.

Với người Mông, đó là nét văn hóa đặc sắc và hội chọi bò được tổ chức vào các dịp đặc biệt, thu hút bản trên, làng dưới tới xem rất đông. Ngoài chọi bò, thì chọi gà cũng là nét văn hóa lâu đời của người Mông nơi miền Tây xứ Nghệ. Chúng tôi cứ mường tượng mãi hình ảnh của những sơn nữ Mông trong trang phục truyền thống, những quả pao xanh đỏ, tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt, dập dìu…

Người Thái, Khơ Mú cũng không hề “kém cạnh” trong ngày hội đón Tết Độc lập. Những trang phục sặc sỡ của những cô gái Thái, tiếng cồng, chiêng khắc luống… vang xa, như mời gọi, thôi thúc mọi người đến gần với nhau hơn để mừng ngày Tết Độc lập của dân tộc.

Sắc cở tổ quốc được trang trí ngay trên cầu thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn
Sắc cở Tổ quốc được trang trí ngay trên cầu thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Vào những dịp này, các cấp chính quyền cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ… giữa các thôn bản. Rồi qua hệ thống loa phát thanh, những ca từ da diết, thân thuộc lại vang lên: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Tự hào mà mê say”…; “Việt Nam yêu dấu thanh thanh lũy tre/ Suối đổ về sông qua những nương chè”… Và trong thời khắc ấy, ai cũng thấy “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…

Ngày Tết Độc lập còn là dịp để đồng bào các DTTS miền Tây Nghệ An góp tiền, góp gạo tổ chức chung vui tại nhà Trưởng bản. Bữa ăn quây quần vui vẻ, như gắn kết hơn, để không khí thêm phần rộn ràng, phấn chấn.

Cờ tổ quốc được sen vẽ trên những tấm cửa dịp Quốc khánh 2024 - ảnh Đình Tuân
Cờ Tổ quốc được vẽ trên những tấm cửa dịp Quốc khánh 2024. (Ảnh Đình Tuân)

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng cho biết: Huyện đã có kế hoạch rất chi tiết, cụ thể về việc tổ chức ngày Tết Độc lập. Từ việc treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu; đến việc tuyên truyền qua loa truyền thanh, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Tất cả đều nhằm mục đích để mỗi người dân hiểu rõ giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan trọng hơn, cũng là dịp để thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.

Dọc tuyến quốc lộ 7A, khi chạm miền Trà Lân (gồm 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương), đã lấp lóa những đường cờ thẳng thớm. Nhưng, với chúng tôi, hình ảnh lá Quốc kỳ được các bạn trẻ sơn, vẽ trên những cánh cửa quán cafe Bụi Phố ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương; hay trên lan can cầu Kỳ Sơn – trung tâm huyện lỵ Mường Xén… mang những sắc thái cảm xúc mới lạ.

Ông Xồng Dua Pó ở bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cũng lũ trẻ tỉ mỉ treo lá Quốc kỳ lên trước ngõ - Ảnh: Đào Thọ
Ông Xồng Dua Pó ở bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cùng lũ trẻ tỉ mỉ treo lá Quốc kỳ lên trước ngõ - Ảnh: Đào Thọ

Anh bạn tôi cứ tấm tắc mãi hình ảnh người đàn ông dân tộc Mông- Xồng Dua Pó ở bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cùng lũ trẻ tỉ mỉ treo lá Quốc kỳ lên trước ngõ. Một người đàn ông mộc mạc, chân chất ngay trong từng lời nói: "Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, người Mông mới có được ngày hôm nay. Bản làng giờ không ai còn trồng cây thuốc phiện nữa đâu, chăm chỉ làm ăn thôi".

Với bà Lô Thị Lan ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương treo cờ Tổ quốc dịp Tết Độc lập cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào - Ảnh: Đình Tuân
Với bà Lô Thị Lan ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương treo cờ Tổ quốc dịp Tết Độc lập cũng là cách thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào - Ảnh: Đình Tuân

Mừng Quốc khánh, Đảng bộ tỉnh Nghệ An nói chung, đồng bào các DTTS miền Tây nói riêng luôn mãi khắc ghi lời dạy của Bác. Từ lời hiệu triệu non sông trong ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập giữa Ba Đình lịch sử; đến lời nhắc nhở, dặn dò ân cần mà tha thiết qua 55 năm di chúc Người để lại… sẽ luôn là động lực, niềm tin để Nghệ An vượt qua bao nhiêu gian khó.

Học Bác, ghi nhớ lời Bác dạy, Nghệ An đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn; bền gan, vững chí… trên con đường khẳng định là tỉnh khá nhất miền Bắc, như sinh thời Người hằng mong muốn.

Chọi bò - một hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mông dịp tết Độc Lập
Chọi bò - một hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mông dịp Tết Độc Lập

Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn cần sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, nhưng cũng rất vui và tự hào về những thành tựu mà tỉnh Nghệ An đạt được hôm nay. Một vùng miền Tây rộng lớn, khó nhọc... đang dần đổi mới, khấm khá hơn. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi Nghệ An tăng 1,4 lần so với năm 2020 và hiện đã đạt 4,19 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 4,88% và hiện còn 29,15%. So với giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã có 18 xã và 136 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.