Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người Mông ở Kỳ Sơn rộn ràng với Tết Độc lập

Đào Thọ - 17:12, 31/08/2023

Ngoài đón Tết truyền thống, cộng đồng người Mông ở miền Tây Nghệ An còn xem Tết Độc lập là ngày hội lớn để mọi người gặp gỡ tăng cường tình đoàn kết tình làng nghĩa xóm, gia đình sum họp vui chơi. Đặc biệt, đây cũng là dịp để bản làng tri ân Đảng, Bác Hồ - người đã mang đến cuộc sống mới cho người dân.

Không khí đón Tết độc lập ở Kỳ Sơn
Không khí đón Tết độc lập ở Kỳ Sơn

Những ngày này, khắp nơi ở huyện biên giới Kỳ Sơn, các cơ sơ, tổ chức và Nhân dân đã bắt đầu treo cờ hoa rực rỡ đón Tết Độc lập - một trong những Tết quan trọng và lớn nhất đối với đồng bào các dân tộc miền biên viễn này. Ông Mùa Nỏ Xử ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) cho biết: bản Sơn Hà có 73 hộ, mỗi năm đến Tết Độc lập các hộ đều góp tiền để cùng nhau ăn Tết. Từ chiều 01/9 đến hết ngày 02/9 mọi người ăn uống cùng nhau, vui chơi thỏa thích và cầu mong mưa thuận gió hòa, hòa bình yên vui.

Trước đó, để chuẩn bị cho ngày tết này, nhà nhà đã góp tiền, góp gạo mang tới nhà trưởng bản hoặc nhà của người đứng ra “đăng cai” mổ bò ăn Tết, mỗi năm sẽ tổ chức tại một nhà.  Cả bản có 73 hộ, với hơn 370 nhân khẩu, thì tất cả đều tập trung lại để chung vui. Trong bữa ăn quây quần, vui vẻ, đoàn kết, không thiếu được bài hát “Người Mèo ơn Đảng” phát ra từ loa của bản, càng làm cho không khí ngày Tết độc lập rộn ràng, náo nức.

 Nhất là chị em phụ nữ người Mông tuy quanh năm vất vả trên nương rẫy, nhưng dịp này cũng chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để mừng ngày độc lập. Những bộ váy sặc sỡ sắc màu với những đồng xu kêu leng keng trên bản nhỏ tạo nên một bức tranh ấm áp nhưng rộn ràng nơi bản làng miền Tây xứ Nghệ.

Ông Vừ Bá Vừ sửa soạn lại bàn thờ và ảnh Bác đón Tết độc lập
Ông Vừ Bá Vừ sửa soạn lại bàn thờ và ảnh Bác đón Tết độc lập

Cũng theo ông Xử, bản Sơn Hà nơi ông định cư có thể được xem là bản ăn Tết Độc lập lớn nhất trong số các bản làng người Mông ở huyện Kỳ Sơn. “Hàng chục năm nay, cứ thành thông lệ, đến Tết Độc lập ngoài những hoạt động vui chơi giải trí, như đánh bóng chuyền, chúng tôi còn tổ chức hội chọi bò. Các cặp bò chọi không chỉ gói gọn trong địa bàn xã mà còn mời thêm ở các xã lân cận như Tây Sơn, Huồi Tụ, Nậm Cắn tham gia”, ông Mùa Nỏ Xử chia sẻ.

Theo chân ông Mùa Nỏ Xử đến thăm các gia đình ở bản Sơn Hà, chúng tôi mới nhận thấy một điều rằng, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng ngày Tết Độc lập đã ăn sâu vào tiềm thức và rất đỗi thiêng liêng trong mỗi người. Do vậy, dù khó khăn, dù trong bản vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ quét vào tháng 10/2022, khiến nhiều gia đình tan hoang, mất nhà cửa, ruộng vườn. Thế nhưng với họ, đến ngày Tết Độc lập, bà con đều sắm sửa cờ Đảng, cờ Tổ quốc mới và đóng góp vật phẩm, lương thực để cùng chung vui đón Tết.

Ông Vừ Bá Vừ ở bản Sơn Hà chia sẻ, ngoài treo cờ Đảng, cờ Tổ Quốc, mỗi gia đình trong bản đều có phong tục treo ảnh Bác Hồ. Ông cũng không hiểu phong tục này có tự bao giờ, nhưng cứ đời này truyền sang đời khác và cứ thế được cháu con lưu giữ. Gia đình ông cũng thế, ảnh Bác được để ở nơi trang trọng nhất trong gian nhà. Gần đến ngày Quốc khánh 2/9, là ông lại sắp xếp lau chùi bàn thờ, đặt thêm lọ hoa mới, thắp hương kính dâng lên Bác.

Người dân huyện Kỳ Sơn treo cờ đón Tết độc lập
Người dân huyện Kỳ Sơn treo cờ đón Tết Độc lập

“ Trong mỗi trái tìm mỗi người Mông chúng tôi, Bác Hồ luôn gần gũi và rất đỗi thiêng liêng. Không có Đảng, không có Bác thì người Mông suốt đời chỉ ở trên núi cao không thấy ánh mặt trời, suốt đời chỉ làm bạn với cây thuốc phiện và sống trong đói nghèo. Bởi vậy, mỗi gia đình chúng tôi đều thờ Bác để mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”, ông Vừ Bá Vừ bộc bạch.

Ở một số xã có đồng bào Mông sinh sống khác của huyện Kỳ Sơn, như Mường Típ, Tây Sơn, Nậm Cắn…, ngày Tết Độc lập diễn ra nhiều hoạt động thi đấu thể dục thể thao, trong đó, chọi bò là hoạt động không thể thiếu. Lễ hội chọi bò của đồng bào người Mông ở huyện Kỳ Sơn được hình thành từ xa xưa, và trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng của đồng bào ở vùng biên này. 

Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Tết Độc lập, Ngày Đại đoàn kết…. Hội chọi bò là dịp thể hiện sự đoàn kết, hội tụ người Mông và các đồng bào dân tộc đi làm, công tác xa quê về gặp gỡ với tinh thần đoàn kết. Tổ chức lễ hội không mang tính kinh doanh, mà để vui chơi giải trí là chính. Những pha chọi bò hấp dẫn trong dịp này luôn mang đến sự háo hức, sôi nổi, hấp dẫn cho người xem.

Vui hội chọi bò trong Tết độc lập
Người dân vui hội chọi bò trong Tết Độc lập

Ngoài chọi bò, thì chọi gà cũng là niềm vui không thể thiếu nhất là đối với trẻ con người Mông. Đây được xem là thú cưng của đám trẻ sau mỗi giờ tan học về. Những chú gà chọi được chăm sóc chu đáo, huấn luyện kỹ càng được chúng đưa ra mảnh sân nhỏ nơi góc bản để thi đấu với nhau. Tiếng hò reo vui của đám trẻ nơi bản làng người Mông xoay quanh những pha chọi gà hấp dẫn, cũng làm nên không khí rộn ràng bên những mái nhà sa mu truyền thống.

Đất nước đã bước vào những ngày mùa Thu lịch sử, bản làng người Mông đang từng ngày bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Những nét đẹp văn hóa truyền thống như ngày Tết Độc lập vẫn tiếp tục được đồng bào giữ gìn, xem đây là vốn quý cần được phát huy truyền lại cho các thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc Đỗ Nguyệt Ánh vừa chỉ đạo Ban điều hành Tổng công ty kịp thời tổng chỉ huy điều động nhân lực, vật lực từ tất cả đơn vị trong EVNNPC để hỗ trợ các Công ty Điện lực khắc phục hậu quả ngay khi cơn bão số 3 đi qua. Việc điều động sẽ được bố trí rạch ròi, kịp thời theo các khu vực phù hợp với mức độ ảnh hưởng khác nhau, đảm bảo tổ chức khoa học và hiệu quả.