Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cần biện pháp ổn định giá hàng hóa

PV - 11:38, 19/07/2022

Giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn trong xu hướng tăng dù giá xăng, dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít từ sáng 11/7. Sức nóng của giá xăng, dầu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn thiếu công cụ “làm sạch” thị trường để ngăn tình trạng “té nước theo mưa”.

Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng hàng hóa liên tục tăng cao do sức ép của giá xăng, dầu tăng (Ảnh BCL)
Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng hàng hóa liên tục tăng cao do sức ép của giá xăng, dầu tăng (Ảnh BCL)

“Cái gì cũng tăng, chỉ có lương không tăng”

Sau nhiều tháng lao dốc, giá lợn hơi đã ngược dòng tăng liên tiếp. Với giá lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg, đã tăng khoảng 15 nghìn đồng/kg so thời điểm đầu năm. Thời điểm này, nhà hàng, quán ăn, đã hoạt động trở lại, sức mua cũng sẽ tăng nên các loại thịt “dễ chịu với túi tiền” của người dân cũng đã dần tăng giá. Tương tự, giá trứng gà - loại thực phẩm bình ổn cũng không thể bình ổn được nữa sau nhiều năm “chỉ giảm chứ không tăng”.

Bên cạnh đó, giá rau xanh, giá hải sản, hàng hóa thiết yếu đến tiêu dùng đều tăng... là điều ai cũng thấy và tác động rõ nét đến cuộc sống hằng ngày. Ông Nguyễn Bảo Đăng, chủ tạp hóa Bảo Đăng trên đường Trần Tử Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) nói vui: “Cái gì cũng tăng, chỉ có lương là không tăng”. 

Theo ông Đăng, mặt hàng tăng giá nhiều nhất thời gian qua là dầu ăn. Với 10 lần tăng, dầu đậu nành hiện đã lên ngưỡng 58.000-64.000 đồng/lít, tăng gần 20.000 đồng/lít so mức giá cũ là 38.000 - 44.000 đồng, tương ứng với mức tăng hơn 50%. Ngoài ra, mặt hàng mì tôm - thường chỉ giảm, cũng đã tăng từ 3.300-3.800 đồng/gói lên khoảng 4.000-4.400 đồng/gói, tương ứng mức tăng 15-20%...

“Các mặt hàng hầu hết tăng giá, sản phẩm tăng ít thì khoảng 8-9%, còn phần lớn tăng mười mấy phần trăm”, ông Đăng nói và cho biết, việc tăng giá cũng khiến cho sức mua giảm đáng kể.

Hiện, một siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều loại thực phẩm đã tăng 20-25% so với cuối năm trước do giá thành bị đội lên khi giá xăng, dầu tăng mạnh. Thậm chí, giá các mặt hàng dầu ăn đã tăng 30-35% tùy loại dù mặt hàng này được bình ổn... Thậm chí, sức nóng của giá xăng cũng ảnh hưởng đến cả ly cà-phê khiến nhiều người không khỏi giật mình. Chuỗi cửa hàng đồ uống Highlands đã tăng giá bán mỗi ly cà-phê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thêm 18% kể từ đầu tháng 7, bao gồm cả việc mua cà-phê qua các ứng dụng (app) đặt hàng.

Chưa kiểm soát được tỷ lệ tăng giá đầu vào, đầu ra?

Mức tăng giá hàng hóa trên thị trường thời gian vừa qua có hợp lý? PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó, tác động của nó lên các ngành kinh tế là lớn, tuy nhiên, sự tác động cũng tùy theo ngành nghề. Thực tế, giá xăng, dầu tăng, tác động mạnh nhất tới các ngành như đánh bắt thủy sản, vận tải. Trong đó, vận tải lại tác động lên chi phí đầu vào của một số ngành nghề khác.

Nhiều loại thực phẩm đã tăng 20-25% so cuối năm 2021. Ảnh: NG.HẢI
Nhiều loại thực phẩm đã tăng 20-25% so cuối năm 2021. Ảnh: NG.HẢI

Hiện, trong ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm tới 30-40%. Ước tính, bình quân sáu tháng đầu năm, giá xăng, dầu trong nước tăng 51,83%, tương ứng chi phí ngành vận tải sẽ tăng khoảng hơn 20%. Đây là mức tăng lớn nhất dưới tác động của giá xăng, dầu.

Như vậy, các ngành khác sử dụng giao thông vận tải sẽ có mức tăng ít hơn. Cụ thể, theo thống kê, một số ngành sản xuất, chi phí vận tải chiếm khoảng 4-5% chi phí đầu vào. Tức là, mức tăng giá đầu vào theo giá vận tải tăng sẽ khoảng 0,8-1%. Nếu tăng đầu ra tương ứng theo biến động giá xăng, dầu, mức tăng cũng sẽ khoảng trên dưới 1% tùy theo mức biến động các loại giá đầu vào khác.

“Song, thời gian qua, tôi thấy nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá rất mạnh, tới 30-40%, thậm chí lớn hơn nữa. Điều này không đúng!”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nói và bày tỏ, dù vậy, chúng ta cũng rất khó nói “điều đó đúng hay sai”, bởi thực tế việc quản lý giá bán ra không được công khai, minh bạch. Trong khi, hiện tượng “té nước theo mưa” thường được diễn ra theo kỳ vọng tăng giá. Và việc này thường được làm một cách ước lượng, người dân không có thước đo nào để kiểm soát. Do đó, Nhà nước phải quản lý được điều này.

“Tôi đã nhiều lần đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Tài chính xem xét những tác động của giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào, từ đó đánh giá được ảnh hưởng thế nào đến giá các sản phẩm hàng hóa bán ra, đặc biệt là các mặt hàng hàng hóa cơ bản. Công khai được tỷ lệ đó sẽ kiểm soát được việc tăng giá đầu vào và việc bán ra thị trường có đúng không. Thị trường sẽ tự kiểm soát giá, sẽ minh bạch thị trường, sẽ không có hiện tượng “té nước theo mưa”...”, ông Thịnh nói và nhấn mạnh, đó là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, chứ không phải chỉ bắt hàng lậu, hàng giả, hàng nhái...

Lỡ thời cơ làm dịu “cơn đau” thị trường

Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội chia sẻ, quan trọng là cần hạ ngay giá xăng, dầu đúng thời điểm. “Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng rất mạnh, nhưng chúng ta lại dùng biện pháp giảm giá xăng, dầu rất “nhỏ giọt” từ thuế, chúng ta cứ mãi nghiên cứu, đề nghị xem xét, điều này khiến cho thời cơ làm dịu “cơn đau” qua đi.

Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã đẩy giá hàng loạt các mặt hàng tăng theo
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã đẩy giá hàng loạt các mặt hàng tăng theo (Ảnh minh họa)

“Chúng ta vẫn thường thấy “lên 3, xuống 1”, đây cũng là tâm lý của “nhà buôn”. Khi lên rồi, rất khó để giảm. Việc đánh mất thời cơ góp phần đẩy giá lên cao, điều này còn nguy hiểm hơn “té nước theo mưa” trên thị trường hàng hóa”, chuyên gia Vũ Vinh Phú bày tỏ quan điểm.

 Vị chuyên gia lo lắng khi cho rằng “vòng hai” của vấn đề giá xăng, dầu tăng cao mới thật sự “nguy hiểm”. Có một thực tế, nếu bây giờ giảm giá xăng, dầu xuống còn hơn 20.000 đồng/lít - mức “chịu đựng” được của người dân, doanh nghiệp, thì giá cả hàng hóa cũng đã tăng lên rồi. Do đó, vấn đề giá xăng, dầu và giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao còn ảnh hưởng đến những năm sau đó, nếu chúng ta không giải quyết sớm.

Ông Phú kiến nghị, giải pháp cấp bách để giảm giá xăng, dầu ngay lúc này là giảm 80% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Khi đó, giá xăng, dầu mới đủ “độ chín” để giảm về mức hơn 20.000 đồng/lít. Lúc đó, người dân, doanh nghiệp mới có thể “tính tiếp” cho tương lai của mình, tàu cá mới có thể tiếp tục ra khơi.

Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi thế giới đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng lương thực...

Trong khi, nhóm này có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đặc biệt, trong đó nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại. Điểm nữa là việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước, việc tăng lương từ ngày 1/7/2022 cũng sẽ có tác động làm tăng CPI.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.