Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cán bộ gần dân việc gì cũng thuận

Giang Lam - 06:32, 19/10/2022

“Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trong xã. Chúng tôi luôn lấy sự hài lòng của bà con làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ”. Ông Lê Nguyên Long, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ với chúng tôi như vậy!

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Đỗ Đình Quý (thứ 2 từ trái qua), tích cực về cơ sở nắm bắt tình hình đời sống của bà con
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Đỗ Đình Quý (thứ 2 từ trái qua), tích cực về cơ sở nắm bắt tình hình đời sống của bà con

Sâu sát cơ sở

Đến thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chúng tôi gặp anh Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã đến thăm mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Ma Thị Đoàn. Anh Quý bảo: “Pác Cáp là thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Bà con tích cực chăm lo phát triển, mình thường xuyên đến động viên, sâu sát, khuyến khích thực hiện mô hình tốt cách làm hay. Gần dân, lắng nghe dân và mình cũng học được dân nhiều lắm!”.

Với phong cách làm việc “gần dân, sát dân”, cán bộ Phù Lưu đã phát huy được vai trò và năng lực của mình để giải quyết công việc. Ông Lê Nguyên Long, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu chia sẻ, với mục tiêu tạo bước đột phá cho các thôn, bản phát triển, thời gian qua xã đã quan tâm đẩy mạnh thực hiện phân công cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở xã tham gia phụ trách và hỗ trợ các thôn. Thường trực Đảng ủy, UBND xã phân công cán bộ, công chức phụ trách thôn theo năng lực sở trường. Kết quả của việc về thôn, bản giúp dân cũng được xem là căn cứ đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng tuần của các cán bộ, công chức. Đặc biệt, cán bộ, công chức nào phụ trách thôn mà không tạo dựng được uy tín, sự chuyển biến tích cực ở địa bàn thì sẽ xem xét trong đánh giá phân loại cuối năm.

Chính nhờ sự quyết liệt đó mà tạo được sự gần gũi, không còn khoảng cách giữa cán bộ và dân. Có những vấn đề người dân lo lắng băn khoăn đã được giải quyết. Điển hình như những vụ việc mâu thuẫn về đất đai, sai sót trong giấy tờ, khó khăn thực hiện chế độ chính sách… khi xuống tận hộ thì cán bộ đã nắm được và đã trực tiếp giải thích cho người dân hiểu đúng sự việc.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã, nhờ sự gần gũi của cán bộ với người dân mà đã kịp thời vận động tuyên truyền, giải thích để dân đồng thuận. Điển hình như hiến đất xây dựng nhà văn hóa ở thôn Nà Luộc. Ban đầu bà con chưa hiểu rõ vai trò quan trọng của làm nhà văn hóa, là cán bộ xã phụ trách thôn Nà Luộc, chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã đã cùng cán bộ thôn tích cực vận động 3 hộ gia đình hiến hơn 800 m2 làm nhà văn hóa.

Ông Nông Đình Đệ, thôn Nà Luộc chia sẻ, nhờ sự giải thích vận động của cán bộ xã và cán bộ thôn, ông đã hiểu vai trò của xây dựng nhà văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo quê hương. Ông tự nguyện hiến hơn 300 m2 đất ao đang nuôi cá ở mặt đường để thôn có địa điểm làm nhà văn hóa.

Chị Triệu Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã được phân công phụ trách thôn Kẽm từ năm 2018. Chị chia sẻ: “Mình nhận ra rằng, cán bộ càng gần dân, năng đi cơ sở thì càng triển khai công việc dễ dàng. Cán bộ, công chức xã không chỉ có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy xã mà có lúc cần phải “cầm tay chỉ việc” cho bà con”.

Điển hình như việc xuống cơ sở, nhiều hộ dân phản ánh những vườn cam sành lâu năm đã bị còi cọc, quả bé. Chị đã tham mưu với xã đưa cây chanh tứ thì vào trồng trên diện tích đất trồng cam bạc màu và vùng ruộng trũng có độ PH cao. Nhận được sự đồng tình, chị tích cực xuống cơ sở hướng dẫn, đồng hành cùng bà con thực hiện mô hình mới này. Kết quả chanh phát triển tốt, quả sai, gần như cho thu hoạch quanh năm. Chỉ sau một thời gian ngắn diện tích cây chanh tứ thì nở rộ, hiện tại lên đến trên 270 ha.

Đặc biệt vào ngày cuối tuần các cán bộ, công chức, viên chức đảng viên trong xã trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản. Các nội dung công việc gồm: Vệ sinh, trồng hoa, xây dựng đường điện thắp sáng đường quê, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách chỉnh trang nhà cửa, vườn tạp... Phong trào đã huy động được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo mối liên hệ gần gũi giữa cán bộ, công chức, viên chức với Nhân dân.

Cán bộ xã và bà con thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) giao lưu văn nghệ tạo sự gần gũi
Cán bộ xã và bà con thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) giao lưu văn nghệ tạo sự gần gũi

Trọng dân, lắng nghe dân

Đến trụ sở UBND xã Phù Lưu liên hệ làm việc vào sáng thứ 6, chúng tôi cảm nhận được sự nền nếp ở nơi này. Từ sân trụ sở, hành lang đến các phòng làm việc đều ngăn nắp, sạch sẽ; cán bộ xã đeo thẻ chức danh, trang phục gọn gàng, thái độ niềm nở, đúng mực khi giao tiếp.

Đồng chí Lê Nguyên Long, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu cho biết, với phương châm “Trọng dân, lắng nghe dân”, từ năm 2018, Đảng ủy xã ban hành quy định người đứng đầu thực hiện đối thoại với nhân dân và thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân. Những vụ việc, vấn đề mà người dân phản ảnh, nếu xét thấy có thể giải quyết ngay, các đồng chí Thường trực Đảng ủy làm rõ ngay tại buổi đối thoại hoặc giải trình trước dân. Đối với những vụ việc, vấn đề cần có thời gian để xác minh, làm rõ sẽ kịp thời tổng hợp, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét. Còn những vấn đề, vụ việc mà người dân yêu cầu, phản ánh chưa đúng với chủ trương, các quy định, chế độ, chính sách hiện hành... thì được tuyên truyền, giải thích rõ ràng.

Vào đầu tháng 4/2022, Đảng ủy, UBND xã tổ chức buổi đối thoại. Trong cuộc đối thoại đã tiếp nhận 10 lượt ý kiến của nhân dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Đề nghị đầu tư, sửa chữa một số công trình hạ tầng kỹ thuật; thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS; một số nội dung khác liên quan đến an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chị Triệu Thị Thủy, thôn Mường cho biết: “Tại buổi đối thoại tôi đưa ra ý kiến thắc mắc về chính sách hỗ trợ đền bù đất đai. Tôi đã được hướng dẫn và giải thích thỏa đáng đúng ý nguyện”.

Việc thường xuyên thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu và nhân dân giảm tối đa đơn thư, khiếu nại, góp phần đem lại không khí dân chủ, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân.

Đoàn viên thanh niên tham gia trồng keo giúp đỡ gia đình Anh Nguyễn Văn Khánh- Bí thư Chi đoàn thôn Làng Chả, xã Phù Lưu
Đoàn viên thanh niên tham gia trồng keo giúp đỡ gia đình Anh Nguyễn Văn Khánh- Bí thư Chi đoàn thôn Làng Chả, xã Phù Lưu

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành nhiều văn bản quy định về văn hóa giao tiếp, ứng xử với Nhân dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Xã cũng thực hiện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo xã để nhân dân kịp thời phản ánh tâm tư, bức xúc. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức xã đều niêm yết công khai và thông báo tới người dân tất cả các số điện thoại đang dùng. Điều đó giúp người dân thuận lợi hơn trong việc liên lạc với cán bộ, công chức.

Ông Hồ Văn Chiều, Trưởng thôn Mường cho biết, việc công khai số điện thoại của lãnh đạo xã giúp người dân bất cứ khi nào cũng có thể phản ánh những bức xúc, nguyện vọng của mình. Đồng thời, khắc phục được tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần mà không gặp được cán bộ hoặc người dân phải đi tìm cán bộ, công chức để giải quyết công việc, tránh mất thời gian cho công dân.

Nhờ đó, Đảng ủy, UBND xã Phù Lưu đã giải quyết xong nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài và không để phát sinh đơn thư khiếu nại. Năm 2021, xã Phù Lưu đạt nông thôn mới và đang phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025. Điều đó càng khẳng định việc cán bộ gần dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến đã nhận được sự tin tưởng, đồng thuận cao của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.