Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Thuận: Dấu ấn dân vận ở vùng đồng bào DTTS

PV - 16:22, 29/03/2022

Là địa phương có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã
100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã

Những tín hiệu tích cực

Ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tính đến cuối năm 2021, dân số toàn tỉnh có khoảng 1,258 triệu người với 35 dân tộc, trong đó 34 DTTS chiếm hơn 8,3% dân số. Những năm qua, việc đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS trong tỉnh tiếp tục được quan tâm, góp phần cải thiện các chỉ tiêu quan trọng. Bộ mặt các vùng nông thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống nhiều đổi khác chính là dấu ấn đậm nét từ công tác “Dân vận khéo” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, được phủ sóng truyền hình, phát thanh. Toàn tỉnh có 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 88,3% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 17/17 xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Toàn tỉnh còn 10 thôn, khu phố đặc biệt khó khăn, 3 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, và 25 xã, thị trấn khu vực I, thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Đặc biệt trong năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các ban, ngành, địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân tộc. Nổi rõ, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, duy trì giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 86.179 ha với hơn 2.300 hộ; đầu tư ứng trước cho 932hộ/1.608ha/10,688 tỷ đồng. Đồng thời, thu mua của đồng bào 900 tấn lúa/5 tỷ đồng, 5.500 tấn bắp lai thương phẩm/24 tỷ đồng, 30 tấn mủ cao su/450 triệu đồng…

Nhờ đó, tình hình đời sống, kinh tế vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, kinh tế của đồng bào DTTS được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều hộ thoát nghèo. Giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ đồng bào DTTS xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc
Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ đồng bào DTTS xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc

Tăng cường kết nghĩa

Để góp phần chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, thời gian qua, hoạt động phối hợp thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS được các ngành chú trọng thực hiện. Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên theo dõi, phối hợp đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện công tác kết nghĩa với các xã thuần và thôn xen ghép đồng bào DTTS. Đến nay, đã có 17 sở, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh duy trì kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào DTTS và 86 cơ quan, đơn vị cấp huyện kết nghĩa với 37 thôn, khu phố xen ghép đồng bào DTTS thuộc các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh.

Năm qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp với các xã, thôn kết nghĩa tổ chức trên 3.000 buổi tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thu hút gần 140.000 lượt người. Cùng với đó, phối hợp tổ chức 46 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và 4 buổi hội thảo cho trên 2.000 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân.

Tiếp tục xây dựng, duy trì 60 mô hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, đỡ đầu, giúp đỡ các gia đình khó khăn, học sinh, sinh viên nghèo vùng đồng bào, xây, sửa chữa nhà ở và thăm hỏi, tặng trên 35.400 phần quà trị giá 14,7 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động kết nghĩa đã góp phần chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đến với đồng bào. Từ đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; tăng cường, giữ vững khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở miền núi Quảng Ninh: Sức bật từ Nghị quyết 06

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi Quảng Ninh: Sức bật từ Nghị quyết 06

Cách đây 3 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06). Với nguồn lực được ưu tiên, nhiều cách làm sáng tạo, việc triển khai Nghị quyết 06 đã tạo sức bật cho những địa bàn khó khăn của tỉnh, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.