Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

“Cần cấp thiết bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số”

Minh Thu - 12:34, 08/12/2021

Đó là khẳng định của ông Hoàng Quốc Khánh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quôc hội tỉnh Lai Châu, khi trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về tầm quan trọng của công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trong giai đoạn hiện nay.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu
Ông Hoàng Quốc Khánh, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Xin ông cho biết quan điểm của mình về thực trạng văn hóa truyền thống và việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS hiện nay?

Ông Hoàng Quốc Khánh: Di sản văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc như là tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục... Quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế, một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, phong tục tập quán có nguy cơ mai một và dần bị pha tạp. Tình trạng đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét, đòi hỏi cần phải bảo tồn một cách cấp thiết.

Nếu có dịp đi dự các ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các bản miền núi, vùng đồng bào DTTS, hay dự các lễ hội truyền thống, rất nhiều nơi người dân không còn biết bài hát và điệu múa của dân tộc mình. Không chỉ mai một về âm nhạc, ngay cả tiếng nói cũng đã bị mai một, hoặc có nguy cơ mai một. Nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ, mà sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác thay cho ngôn ngữ dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản. Nguyên nhân của tình trạng trên rất nhiều, song nguyên nhân chủ quan ngay trong mỗi chúng ta vẫn là chủ yếu.

Phụ nữ dân tộc Dao, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trong trang phục truyền thống tại lễ hội. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Phụ nữ dân tộc Dao, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trong trang phục truyền thống tại lễ hội. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG). Trong đó có dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Theo ông, để thực hiện hiệu quả Chương trình, cần chú trọng những nội dung gì?

Ông Hoàng Quốc Khánh: Đồng bào các DTTS rất vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua  Chương trình MTQG. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, thiết thực và đồng bộ Chương trình này, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện, tránh việc chính sách thì rất hay, nhưng bố trí nguồn lực thì hạn chế.

Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo, điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng dân tộc. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các DTTS. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài tài liệu, hiện vật tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. 

Đặc biệt, cần đưa nội dung truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống vào trong cấp học phổ thông và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước để bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ trẻ.

Ông có đề xuất gì đối với việc thực hiện Chương trình MTQG trong thời gian tới?

Ông Hoàng Quốc Khánh: Cử tri và Nhân dân các dân tộc trong cả nước rất vui mừng, phấn khởi khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tiếp tục đầu tư thực hiện 3 chương trình MTQG cho vùng đồng bào DTTS khó khăn nhất của đất nước. Tuy nhiên, hiện các chương trình chưa được triển khai, trong khi đồng bào các DTTS đang rất trông đợi.Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm triển khai các Chương trình MTQG đã được Quốc hội cho chủ trương.

Mặt khác, đặc thù của 3 chương trình MTQG có rất nhiều nội dung, yêu cầu phải lồng ghép để thực hiện; Nhưng để thực hiện lồng ghép được, các chương trình phải được giao đồng thời, nếu chương trình này giao trước, chương trình kia giao sau, việc thực hiện lồng ghép rất khó và không thể thực hiện được hoặc thực hiện được thì chắp vá.

Giai đoạn thực hiện là 5 năm, thời gian không còn nhiều để tổ chức thực hiện, trong khi đất nước chúng ta còn bộn bề công việc phải lo, nếu không triển khai kịp thời các chính sách sẽ bị gián đoạn, làm chậm cơ hội tiếp cận của đồng bào DTTS với sự phát triển chung của đất nước. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hướng dẫn cụ thể để  tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!