Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng: Bảo đảm nguồn nhân lực, thực hiện tốt công tác dân tộc trong nhiệm kỳ mới.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ người DTTS. Trong nhiệm kỳ qua, cũng như nhiệm kỳ sắp tới, Sóc Trăng đã quy hoạch, lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ mới.
Kết quả Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tổng số cấp ủy cơ sở 3.413 đồng chí; trong đó, người DTTS là 402 đồng chí, tỷ lệ 11,78%. Cấp ủy cấp trên cơ sở 511 đồng chí; trong đó, người DTTS 50 đồng chí, tỷ lệ 9,78%. Tổng số cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 106 đồng chí; trong đó, cán bộ DTTS 20 đồng chí, tỷ lệ 19%.
Với kết quả này, trong thời gian sắp tới, Sóc Trăng tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu thực hiện chiến lược cán bộ của tỉnh trong giai đoạn mới.
Thượng tọa Lý Minh Đức, Đại biểu Quốc hội, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng: Nhiệm kỳ mới, triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia.
Là Đại biểu Quốc hội, tôi đã được biết và tham gia đóng góp cho Chương trình MTQG. Đặc biệt, Chương trình được thông qua và triển khai vào đúng nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh. Tôi tin tưởng, ở nhiệm kỳ mới, Sóc Trăng sẽ có lực lượng cán bộ đủ năng lực, có đức, có tài để triển khai tốt Chương trình này, để đồng bào được hạnh phúc, ấm no hơn.
Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới này, các đồng chí lãnh đạo tiếp tục nghiên cứu, quan tâm, quyết tâm để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có Trường dự bị Đại học Dân tộc đặt tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào DTTS nhất khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS nhất là con, em hộ nghèo và hộ cận nghèo trong khu vực được học tập, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng: Cần có chính sách đủ mạnh để giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS đã giảm sâu (trên 4%/ năm), tuy nhiên điều này cũng cho thấy, những hộ nghèo còn lại hiện nay thuộc nhóm đối tượng rất khó khăn, đa số là những hộ không có tư liệu sản xuất, trình độ văn hóa thấp, việc tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lao động, sản xuất còn hạn chế, không có việc làm thường xuyên, ốm đau, bệnh tật. Để thoát nghèo cho nhóm đối tượng này, cũng như thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo trong đồng bào DTTS, chúng tôi kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG) sẽ được các cấp lãnh đạo, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đặc biệt quan tâm triển khai đồng bộ, thận trọng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, điều này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đại biểu tham gia vào cấp ủy nhiệm kỳ mới.
Ông Sơn Huônl, Người có uy tín, Ban Quản trị chùa Phô Thi ThLâng xã Thới An Hội, huyện Kế Sách: Mong muốn tiếp tục được quan tâm các chùa Khmer vùng sâu.
Với trách nhiệm Người có uy tín được bà con tín nhiệm bầu, tôi đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, tôi rất trăn trở với trách nhiệm làm Ban Quản trị chùa. Do chùa ở vùng nông thôn, Phật tử còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp tu sửa hay tham gia các hoạt động của chùa cũng còn nhiều khó khăn. Tôi và Phật tử khu vực chùa mong muốn, đại biểu đại diện cho Đảng tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần để Phật tử có thêm điều kiện tham các hoạt động văn hóa, thể thao; các chùa Khmer có thêm điều kiện để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tâm linh trong đồng bào dân tộc Khmer.