Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ an sinh ở vùng DTTS

Minh Thu - 15:24, 21/09/2021

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68). Bên cạnh một số địa phương đang khẩn trương triển khai gói hỗ trợ, nhiều nơi, công tác hỗ trợ chưa đạt yêu cầu. Người lao động và người sử dụng lao động chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Thời gian qua, quá trình thực hiện Nghị quyết 68 tại một số địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68 tại một số địa phương còn chậm

Nhiều địa phương triển khai chậm

Xuống Hà Nội làm thợ xây cho một công trình tư nhân từ đầu tháng 3/2021, từ khi cả nước bị ảnh hưởng bởi đợt đại dịch Covid-19 lần thứ tư đến nay, anh Lương Văn Hoàn (quê ở Yên Bái) cùng 3 người bạn “mắc kẹt” luôn tại công trình xây dựng. Không về quê được do giãn cách, phần nữa cũng muốn ở lại đợi dịch bệnh đi qua để tiếp tục công việc còn dang dở, khiến anh Hoàn “tiến thoái lưỡng nan”.

“Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, 3 người chúng tôi được UBND phường hỗ trợ 15kg gạo và ít rau. Cách đây mấy hôm, thấy cán bộ phường nói thành phố đang có hướng hỗ trợ người lao động (NLĐ) nghèo theo Nghị quyết 68 (đợt mới với thủ tục linh hoạt hơn trước), tôi đang hy vọng sẽ được nhận hỗ trợ”, anh Hoàn bày tỏ hy vọng.

Tại tỉnh Sơn La, theo báo cáo của UBND huyện Sốp Cộp, toàn huyện có 200 trường hợp là NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ) thuộc diện dược hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Nhưng đến nay, “Huyện mới chỉ lập danh sách hỗ trợ, hiện chưa hỗ trợ được cho cá nhân nào vì chưa có kinh phí. Khi nào có kinh phí từ tỉnh cấp, huyện mới thực hiện giải ngân được”, bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các sở, ngành được phân công thực hiện hỗ trợ NLĐ theo kế hoạch. Căn cứ kết quả rà soát, thẩm định, tổng hợp ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí, báo cáo số lượng đối tượng thụ hưởng và tổng nguồn kinh phí thụ hưởng trình UBND tỉnh, sau đó thông qua Sở Tài chính để cấp kinh phí thực hiện chi trả hỗ trợ theo quy định.

Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Qua rà soát, đến nay, toàn huyện có 592 công dân đã được lập danh sách hỗ trợ, với tổng kinh phí 901 triệu đồng. “Huyện đang chờ tỉnh cấp kinh phí để triển khai việc hỗ trợ, dự kiến khoảng cuối tháng 9/2021, số tiền hỗ trợ sẽ được giải ngân, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 ", bà Cử cho biết.

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân 

Nếu so sánh với các gói hỗ trợ trước đây, mà doanh nghiệp và NLĐ phản ánh là có quá nhiều tiêu chí và tiếp cận rất khó khăn, thì Nghị quyết 68 được coi là chính sách đơn giản, dễ thực thi với NLĐ, người SDLĐ bằng việc cắt giảm 2/3 số thủ tục hành chính phải thực thi. Nhờ đó, các đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Người lao động đang mong mỏi hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 68.
Người lao động đang mong mỏi hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 68.

Báo cáo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận danh sách hơn 795.000 NLĐ, thuộc gần 29.400 đơn vị tại 62/63 tỉnh, thành phố thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. 

Trong đó, có hơn 613.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động, hàng trăm ngàn người mất việc và gần 80.000 người ngừng việc được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, còn có trên 45.800 lao động bị ngừng việc do đại dịch Covid-19 được vay vốn trả lương ngừng việc; trên 35.500 lao động được đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.

Bên cạnh một số địa phương đã và đang tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, công tác hỗ trợ tại nhiều địa phương vẫn đang chậm trễ. Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã “điểm tên” những địa phương chậm triển khai.

Cụ thể, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ, là Bến Tre và Vĩnh Long; 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên; 5 tỉnh, thành phố chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc là: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên và 3 tỉnh, thành phố chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.

Ngoài nguyên nhân hạn chế do giãn cách xã hội, còn nguyên nhân khác là, NLĐ và người SDLĐ chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó chưa linh hoạt trong việc xử lý.

“Nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro”,  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Tin cùng chuyên mục