Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Cần hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao khoán đất vườn cây cà phê

Phạm Hoà - 11:02, 24/08/2022

Không thể phủ nhận, sau hơn 30 năm “sắp xếp, đổi mới,” đến nay việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường trên cả nước đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập trong việc thanh lý thu hồi đất để cơ cấu và giao khoán vườn cây ở một số nơi trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng khiến phát sinh mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và người dân.

Đại diện 180 hộ dân nhận giao khoán vườn cây với Công ty cà phê Phước An trao đổi với phóng viên về những bất cập hiện nay giữa người dân và doanh nghiệp
Đại diện 180 hộ dân nhận giao khoán vườn cây với Công ty cà phê Phước An trao đổi với phóng viên về những bất cập hiện nay giữa người dân và doanh nghiệp

Bất cập phát sinh

Nông trường cà phê Phước An được thành lập năm 1977 theo quyết định số109/QĐ-UB ngày 01/3/1977 của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 05/6/1996 được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Phước An 100% vốn nhà nước, năm 2017 được chuyển thành Công ty cổ phần cà phê Phước An. 

Khi thành lập Nông trường cà phê Phước An với mục tiêu trồng và phát triển cây cà phê - một cây công nghiệp mũi nhọn đặc trưng của khu vực Tây Nguyên cũng như của tỉnh Đắk Lăk. UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao đất cho nông trường để thực hiện dự án. Khi đó các hộ dân được tuyển dụng vào làm công nhân cho nông trường trong đó gần một nửa là các hộ đồng bào tại chỗ. 

Năm 1992, Nông trường cà phê Phước An đã giao khoán diện tích đất trồng cà phê cho các hộ dân chăm sóc và quản lý với thỏa thuận nông trường đầu tư phân bón, dịch vụ kỹ thuật và tưới nước, còn các hộ dân có nghĩa vụ nộp sản lượng cho nông trường. Năm 1996 Nông trường Phước An được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV cà phê phước An, thời điểm này Công ty đã tiến hành ký lại hợp đồng giao khoán mới với thời hạn 30 năm người dân phải tự đầu tư chăm sóc vườn cây và trả sản lượng cho Công ty.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng thay thế dần một phần diện tích cà phê già cỗi. Năm 2004, Công ty cà phê Phước An có chủ trương trồng cây sầu riêng thay thế dần cây cà phê khi già cỗi. Ngày 29 tháng 4 năm 2004, Công ty ra thông báo số 02 và số 31 có nội dung là: Phải nhổ bỏ 121 cây cà phê để trồng thay vào đó là 121 cây sầu riêng; Nếu các năm sau sầu riêng tốt thì phải chặt bỏ hoặc thanh lí cà phê; Trồng sầu riêng thay thế dần cây cà phê khi già cỗi và xác định đây là cây chủ lực kinh doanh lâu dài, không phải là cây trồng ghép, trồng thêm.

Năm 2004 với việc trồng xen canh cây cà phê, mặc dù diện tích cây cà phê đã bị nhổ bỏ 11% nhưng Công ty cà phê Phước An không thực hiện phương án giảm sản lượng nộp khoán như đã nêu trong thông báo số 02/TB-CTPA ngày 29/04/2004. Đến năm 2006, Công ty cà phê Phước An tiếp tục làm hợp đồng giao khoán vườn cây cà phê cho các hộ dân mà không thanh lý hợp đồng đã ký ngày 29/9/1997 có hiệu lực từ năm 2002 đến năm 2032. Đến cuối năm 2006, Công ty không có nhu cầu kinh doanh cây sầu riêng nữa và bán vườn cây sầu riêng cho người dân. Kể từ đó đến nay vườn cây sầu riêng là tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân nhưng Công ty vẫn khoán nguyên diện tích.

Không những vậy, ngày 17/03/2009, Công ty CP cà phê Phước An đã có tờ trình số 05/TT về việc xin thanh lý vườn cây cà phê già cỗi đối với diện tích 272,21 ha đối với 180 hộ dân. Sau đó, ngày 11/06/2009 UBND tỉnh Đắk Lắk có Công văn số 2589/UBND-NLN đồng ý cho Công ty Phước An thanh lý diện tích 272,21 ha cà phê già cỗi, đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn, chỉ đạo Công ty Phước An thanh lý, bố trí trồng luân canh cây ngắn ngày thích hợp trong khoảng thời gian 3-5 năm trước khi trồng tái canh cây cà phê.

Qua tìm hiểu hồ sơ thu thập được và trao đổi trực tiếp với người dân được giao khoán vườn cây đã khẳng định, phía Công ty TNHH MTV cà phê Phước An (nay là Công ty cổ phần cà phê Phước An) đã không tiến hành thanh lý vườn cây theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, mà vẫn tiếp tục thu sản lượng giao khoán đến năm 2017 với sản lượng giao khoán không đổi, đây là một dấu hỏi lớn đặt ra có hay không việc cố ý không thanh lý vườn cây của Công ty TNHH MTV cà Phê Phước An để thu sản trái phép của các hộ dân nhận khoán?


Các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc có nhiều năm gắn bó với nông trường mong muốn được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống
Các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều năm gắn bó với nông trường mong muốn được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống

Đánh đồng đối tượng

Trong diện tích khoảng 150 ha đang giao khoán cho các hộ dân từ năm 1986, các hộ dân đã gắn bó với vườn cây như “máu thịt” của mình, với chủ trương đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất phát triển nông lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ngày 17/12/2014  “Về sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”. Theo khoản 1, điều 2 Nghị định này đã nêu rõ, việc giao khoán của công ty TNHH MTV Cà phê Phước An là hình thức khoán trắng, căn cứ theo khoản 1, điều 15 Nghị định này thì khi đổi mới doanh nghiệp hoặc chuyển đổi doanh nghiệp sang công ty cổ phần thì nhà nước thu hồi diện tích đất khoán trắng giao về cho UBND tỉnh nơi có đất. Diện tích đất bị thu hồi này được ưu tiên xử lý theo điểm a, khoản 2, điều 15 quy định “đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất.”.

Trong 180 hộ dân nhận khoán có 106 hộ là người đồng bào dân tộc Ê Đê, M’Nông là những đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, việc chuyển đổi doanh nghiệp sang Công ty cổ phần của Công ty TNHH MTV Phước An, UBND tỉnh Đắk Lắk đã không tiến hành thu hồi phần đất đã được khoán trắng cho các hộ dân để giao hoặc cho các hộ dân thuê lại theo điều 15 nghị định 118 của Chính phủ, dẫn đến hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự do các hộ dân bức xúc đã tập trung kéo đến trụ sở của Công ty cổ phần cà phê Phước An để đòi quyền lợi. 

Đại diện cho các hộ dân là người đồng bào dân tộc, ông Y Lem Niê cho biết, tài sản trên đất là của người dân, còn diện tích đất chúng tôi mong muốn Nhà nước thu hồi của Công ty cổ phần cà phê Phước An để giao lại cho các hộ dân tiếp tục sản xuất ổn định cuộc sống.

Công ty “đắc lợi” – Người dân chịu thiệt

Ngày 03/3/2017 Công ty TNHHMTV Phước An đã có Thông báo số 120-2017/TB-CTPA về vệc thanh lý hợp đồng giao khoán vườn cây cà phê khu vực Phước An. Ngày 06/03/2018, Công ty CP cà phê Phước An (Công ty Phước An) có dự thảo phương án về việc giao khoán vườn cây cà phê thanh lý có trồng xen sầu riêng. Ngày 05/05/2020, Công ty Phước An có Quyết định số 210/QĐ-CPPA về việc thanh lý hợp đồng, thu hồi vườn cây đối với hộ ông Võ Tá Thành. Theo phương án và quyết định nêu trên Công ty Phước An đã tự áp giá cây sầu riêng của hộ ông Võ Tá Thành và các hộ dân theo mức giá theo khung giá tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 23/03/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk mà không thông qua việc thỏa thuận với người dân.

Qua trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc Công ty Phước An tự áp giá đối với tài sản là cây sầu riêng của người dân mà không thỏa thuận đã có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc về quyền sở hữu tài sản, và vi phạm nghiêm trọng việc thỏa thuận dân sự được quy định tại điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Nghệ, một cựu công nhân nông trường cho biết, Công ty cổ phần cà phê Phước An được thuê đất với giá 1.400.000 -1.800.000 VNĐ/năm/ha, nhưng Công ty khoán cho chúng tôi 50.000.000VNĐ/năm/ha và 10 năm sau thu lại toàn bộ diện tích đất khoán trắng và tài sản trên đất của chúng tôi. Công ty đã đưa ra mức khoán không hợp lí và thu hồi toàn bộ tài sản trên đất của chúng tôi sau 10 năm là sai quy định của Nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Năm 2017, khi hết hạn hợp đồng, Công ty thực hiện cổ phần hóa, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công ty thanh lí hợp đồng và chuyển giao đất đang khoán trắng cho chúng tôi về địa phương theo nghị định 118/ND-CP, nhưng Công ty không thực hiện mà vẫn giao diện tích đất chúng tôi đang nhận khoán trắng cho công ty cổ phần. Việc giao diện tích đất khoán trắng cho công ty cổ phần là sai quy định của Nhà nước. Điều này gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân, ông Nghệ cho biết thêm.

Thiết nghĩ, với việc canh tác lâu dài trên diện tích đất được giao khoán tài sản mà các hộ dân tạo dựng lên, và việc đảm bảo an sinh xã hội phát triển kinh tế nông hộ và phát triển doanh nghiệp, cần có sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Đắk Lắk để giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.