Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163: Đất rừng lại “rơi” vào tay doanh nghiệp (Bài 3)

Khánh Ngân - 14:56, 03/05/2022

Việc giao đất, giao rừng với mục đích chấm dứt nghịch lý “người sống ở rừng nhưng không có đất rừng để sản xuất”, thế nhưng sau khi giao đất, giao rừng theo Nghị định 02 và Nghị định 163, bằng nhiều cách lách luật, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân..., đã có trong tay hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất, còn nhiều hộ đồng bào DTTS, Nhân dân sống ở miền núi lại tiếp tục mất “cần câu cơm” đã được trao!

Có đất rừng sản xuất để trồng keo đã giúp cho nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững
Có đất rừng sản xuất để trồng keo đã giúp cho nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững

Lách luật để “tích tụ” đất

Dùng nhiều mỹ từ như hợp tác, thuê Giấy chứng nhận đất rừng 50 năm, chuyển nhượng… để lách việc cấm mua bán đất rừng. Có những doanh nghiệp đã “tích tụ” cho mình được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất rừng sản xuất.

Theo số liệu tại Báo cáo về tình hình mua, bán, chuyển nhượng đất rừng trái quy định trên địa bàn huyện Quỳ Châu, riêng Công ty cổ phần xanh Nghệ An, đã sở hữu 465 ha tại xã Châu Hạnh.

Cũng theo báo cáo này, Công ty cổ phần xanh Nghệ An còn tiếp tục đến xã Châu Bình (Quỳ Châu) để “thuê, mua, chuyển nhượng đất rừng”, với giá từ 380.000 đồng/ha- 6.000.000 đồng/ha.

Do việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện chui, nên số liệu thống kê không thể đầy đủ. Trên thực tế, số diện tích này có thể cao hơn rất nhiều, bởi những hộ dân đã bán đất không hợp tác, không phối hợp, không kê khai cho đoàn kiểm tra.

Trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, có những doanh nghiệp, hợp tác xã lại có đến hàng trăm ha đất rừng hiện đang trồng keo, nuôi bò
Trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, có những doanh nghiệp, hợp tác xã lại có đến hàng trăm ha đất rừng hiện đang trồng keo, nuôi bò

Không chỉ là Công ty cổ phần xanh Nghệ An, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Tâm Phúc cũng đang sở hữu rất nhiều diện tích đất rừng sản xuất. Theo đánh giá của nhiều người dân địa phương, hiện nay hợp tác xã này đang có gần 1 ngàn ha đất rừng trồng keo. Với “chiêu bài” hợp tác, mua bán ngầm, liên kết và hợp tác trồng rừng… với đồng bào DTTS ở xã Châu Phong, hợp tác xã này đã có trong tay nhiều diện tích đất trồng rừng. Ngoài ra, còn có cả diện tích lớn để mở trang trại chăn nuôi bò.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, một trưởng phòng ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) chia sẻ: Hợp tác trồng trọt, nhưng thực chất đã có sự mua bán ngầm đất rừng giữa hợp tác xã và đồng bào DTTS ở xã Châu Phong.

Không chỉ là doanh nghiệp và hợp tác xã đã nhận mua bán ngầm với đồng bào DTTS. Nhiều hộ gia đình khá giả, có “tầm nhìn” xa hơn cũng đã mua chui, thuê đất, hợp tác… Điều này càng làm cho quỹ đất được cấp cho đồng bào DTTS và bà con sống ở miền núi theo Nghị định 163 bị giảm mạnh.

Xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) hiện còn 42, 25% số hộ là hộ nghèo, nguyên nhân chính là do đồng bào thiếu đất sản xuất
Xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) hiện còn 42, 25% số hộ là hộ nghèo, nguyên nhân chính là do đồng bào thiếu đất sản xuất

Tái diễn điệp khúc “ở rừng mà không có đất rừng”

Theo thống kê, Nghệ An có trên 10.038 ha đất lâm nghiệp chuyển nhượng, mua bán trái quy định. Tình trạng này trải rộng trên nhiều huyện miền núi, với tính chất phức tạp. Nếu tính bình quân, mỗi hộ gia đình được cấp 1ha rừng để sản xuất, trồng cây nguyên liệu, thì đã có hơn 10 nghìn hộ gia đình mất đất. Đồng nghĩa, với việc họ đã mất luôn “cần câu cơm” để cứu đói chứ chưa nói đến việc thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An), có 2.300 hộ dân, trong đó 54% dân số là người DTTS. Nghị định 163 đã giao đất với diện tích khoảng 700 ha. Trong đó có 2.500 ha là đất rừng sản xuất. Được giao đất, giao rừng là động lực để đồng bào DTTS có tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, thật đáng buồn là sau khi giao đất đã có nhiều hộ gia đình bán chui đất được cấp. Hiện toàn xã có khoảng 15-20% số hộ không có đất rừng sản xuất để trồng cây lâm nghiệp. Điệp khúc “ở rừng mà không có đất rừng” một lần nữa lại tái diễn.

Ông Lê Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Châu Bình chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển: “Hiện Châu Bình đang có 42,25% số hộ là hộ nghèo. Đất lâm nghiệp có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đối với người dân địa phương. Việc không có đất sản xuất, đất lâm nghiệp để trồng rừng, khiến cho nhiều hộ gia đình không thể vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo”.

Châu Hạnh (Quỳ Châu), là xã có 90% đồng bào DTTS. Sống ở miền núi, thế nhưng hiện cũng có nhiều hộ không còn đất lâm nghiệp để trồng trọt. Trước đây, khi mới được giao đất giao rừng theo Nghị định 163 và Nghị định 02, Châu Hạnh cũng là địa phương được xác định, là điểm nóng của tình trạng mua bán đất rừng trái phép. Hậu quả là hiện nay, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS không còn đất rừng sản xuất để trồng cây nguyên liệu, phát triển kinh tế rừng.

Từng là chủ rừng, chủ đất được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163, thế nhưng nhiều lao động là người DTTS, giờ trở thành người vác keo, bóc vỏ keo, trồng keo… thuê cho các công ty, hợp tác xã có đất rừng trồng keo. Câu chuyện “sống ở rừng nhưng không có đất rừng để sản xuất” một lần nữa lại tái diễn.

Đau lòng hơn, do không còn đất rừng sản xuất, nhiều người đã liều mình vào đốt rừng, phá rừng để lấy đất sản xuất. Vô tình trở thành tội phạm phá rừng, đã có những vụ án bị khởi tố hình sự, người vi phạm về Luật bảo vệ rừng đã bị khởi tố.

 Bài toán khó “thiếu đất sản xuất cho người dân miền núi, đồng bào DTTS” một lần nữa buộc chính quyền nhiều địa phương phải tìm cách giải! 

Bài 4: Tháo gỡ bất cập và nâng cao hiệu quả sử dụng đất

Tin cùng chuyên mục
Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Từ bao đời nay, việc đan lát từ cây tre, cây cọ tạo ra những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày đã trở thành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Những chiếc quạt cọ, nón mê, đôi lồng... được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của bà con người Tày nơi đây.