Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sống khỏe

Cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông?

Như Ý - 05:59, 04/01/2024

Hiện nay, tình trạng đau nhức xương khớp vào mùa Đông không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà còn phổ biến ở người trung niên, thậm chí là người trẻ tuổi với các biểu hiện như đau sưng đỏ khớp, cứng khớp. Vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông? Mời các bạn cùng tham khảo nội dung sau đây nhé.

Tình trạng đau nhức xương khớp mùa Đông không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà còn phổ biến ở người trung niên, thậm chí là người trẻ tuổi. Ảnh minh họa
Tình trạng đau nhức xương khớp mùa Đông không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà còn phổ biến ở người trung niên, thậm chí là người trẻ tuổi. Ảnh minh họa

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh xương khớp, chủ yếu do các sụn xương ngày càng bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, chạm vào các đầu dây thần kinh gây ra các cơn đau nhức xương khớp nghiêm trọng, làm hạn chế quá trình cử động và di chuyển. Một số nguyên nhân chính làm bạn đau nhức xương khớp vào mùa Đông như:

Lưu thông máu kém: Lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi trời chuyển lạnh và nhiệt độ hạ xuống thấp. Đó là do cơ thể cố gắng dự trữ năng lượng, khí lạnh vào da và làm mạch máu co lại. Khi lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.

Bệnh khớp mãn tính: Ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm kết hợp với các bệnh lý khớp mãn tính là nguyên nhân gây đau xương khớp vì khớp bị thoái hóa do tuổi tác, khí huyết lưu thông suy giảm.

Rối loạn tuần hoàn trong cơ thể: Bao gồm tuần hoàn tại vị trí khớp, dịch khớp, độ nhớt máu, thay đổi vận mạch, tình trạng muối kết tủa do nồng độ hóa chất trung gian thay đổi,... là nguyên nhân gây đau nhức cơ xương khớp vào mùa lạnh.

(Tổng hợp) Cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông? 1

Co rút gân cơ khớp: Mùa lạnh, đặc biệt trong khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở Việt Nam, độ ẩm cao là yếu tố tác động làm đông hoặc co rút gân cơ khớp. Do đó, khớp trở nên khô cứng hơn, bệnh nhân không chỉ khó vận động mà tình trạng đau nhức lại càng nghiêm trọng hơn.

Hoạt động lặp lại và quá mức: Những người dưới 50 tuổi thường bị đau nhức xương khớp do gặp phải chấn thương khi lặp đi lặp lại một loại vận động hoặc vận động quá mức, dùng lực nhiều ở khớp hay trong thời gian dài duy trì tư thế dễ làm tổn thương khớp. Thường gặp nhất là khi hoạt động làm vườn quá sức, xách túi nặng,...

Cơ thể ít vận động: Trong tiết trời mưa rét, hầu hết mọi người đều có xu hướng ở trong nhà, ít vận động kể cả hoạt động vui chơi lẫn tập luyện thể dục. Lười vận động khiến sụn khớp (tấm đệm lót giữa hai đầu xương) không hấp thụ đủ dưỡng chất. Từ đó, khớp giảm độ đàn hồi gây đau nhức, cứng khớp khi vận động.

Sức đề kháng suy giảm: Vào mùa lạnh, sức đề kháng suy giảm, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Tình trạng này sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây đau xương khớp dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Đau nhức xương khớp tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều
Đau nhức xương khớp tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều

Triệu chứng

Nhiều người bị đau nhức xương khớp vào trời lạnh, kèm theo sưng đỏ khớp, cứng khớp vào buổi sáng hoặc về đêm, phát ra âm thanh lục cục khi vận động, dẫn đến tình trạng vận động khó khăn. Có 4 vị trí khớp thường bị đau nhức nhiều nhất khi trời trở lạnh với những triệu chứng cụ thể như sau:

Khớp gối: Đầu gối sưng tấy, đau nhức, có thể quan sát bằng mắt và chạm vào thấy nóng ấm, hạn chế khả năng vận động, co duỗi hoặc gập gối khó khăn, đôi khi phát ra âm thanh lục cục hoặc lạo xạo khi vận động.

Khớp háng: Bất kỳ một cử động nào từ bước đi, xoay người hay đứng lên ngồi xuống đều có cảm giác đau nhức, nhói ở vùng xương khớp háng.

Khớp bàn chân: Đau, rát trong lòng bàn chân, gần gót chân, đau hoặc tê ngứa các ngón chân, cứng khớp và đi lại khó khăn.

Đau cột sống thắt lưng: Khi thời tiết chuyển lạnh hoặc mưa nhiều, nhiều người bị đau nhức phần lưng dưới, tê buốt, khó chịu khi về đêm. Thậm chí, cơn đau lưng còn lan xuống vùng hông, chậu và khiến hai chân tê bì, mất cảm giác.

(Tổng hợp) Cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông? 3

Cách phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông

Để xương khớp khỏe mạnh trong mùa đông và dự phòng những bệnh lý không đáng có, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

Giữ ấm cho cơ thể: Khi trời chuyển lạnh, cần tăng cường giữ ấm cơ thể, việc giữ ấm luôn là vấn đề cần được chú trọng nhất trong mùa đông. Đặc biệt, chú ý vùng cổ, ngực, tay, chân, giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa (như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).

Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết, lưu thông máu.

Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa.

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Để giảm đau cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp như dùng gậy chống, vịn tay, mang gang hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, massage, chườm ấm… Với những nhân viên văn phòng cần hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ. Có thể tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái, vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

(Tổng hợp) Cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông? 4

Chế độ ăn uống hợp lý: Ăn uống đủ chất, duy trì cân nặng và hạn chế thừa cân, béo phì sẽ giúp làm giảm áp lực cho khớp, từ đó phòng ngừa đau xương khớp. Uống nhiều nước, tăng cường các loại thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt chia, dầu ô liu… Tránh thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và muối…

Tăng cường tập luyện: Khi bị đau nhức xương khớp, bạn vẫn có thể thực hiện các bài vận động nhẹ, phù hợp với tình trạng của bản thân. Điều này sẽ giúp máu được lưu thông tốt hơn, nhờ đó mà các khớp được nuôi dưỡng tốt nhất. Các bài tập được khuyến cáo nên lựa chọn như: thái cực quyền, yoga,...

Sử dụng thuốc hợp lý: Khi khớp bị đau nhức, nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…).

Châm cứu: Châm cứu là một liệu pháp giảm đau nhức khớp có nguồn gốc từ Y học cổ truyền Trung Quốc. Tác dụng của châm cứu là đả thông kinh mạch, tăng cường tuần hoàn máu giúp cơ thể thư giãn và cảm thấy khỏe khoắn hơn, từ đó xoa dịu cảm giác nhức mỏi khớp vào mùa Đông.

Băng hoặc nẹp khớp bị đau: Băng hoặc nẹp khớp bằng dụng cụ chuyên dụng giúp cố định khớp, giảm tác động ngoại lực khi hoạt động, cho phép khớp nghỉ ngơi, giảm bớt đau nhức và nhanh phục hồi tổn thương. Khi dùng nẹp, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại nẹp thích hợp cũng như hướng dẫn sử dụng nẹp đúng cách.

(Tổng hợp) Cần làm gì để phòng tránh đau xương khớp vào mùa Đông? 5

Một số mẹo dân gian chữa đau nhức xương khớp mùa lạnh

Bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian để chữa đau nhức xương khớp mùa lạnh tại nhà. Cách thực hiện cũng khá đơn giản và không tốn kém chi phí.

Ngâm chân nước muối gừng: Bàn chân là nơi tập trung nhiều huyệt đạo, dây thần kinh có mối liên hệ chặt chẽ với xương khớp. Việc ngâm chân với nước ấm hòa với muối gừng sẽ giúp lưu thông khí huyết, giảm đau. Đặc biệt ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Thời gian ngâm chân từ 15 – 30 phút.

Chườm ngải cứu: Bạn chỉ cần rửa sạch lá ngải cứu, để ráo rồi đem rang với muối. Sau đó bọc ngải cứu vào khăn sạch và chườm lên vị trí đau. Cần lưu ý tới nhiệt độ để tránh làm bỏng da. Chườm ngải cứu sẽ giúp giảm sưng, đau tại khớp.

Uống nước sắc lá lốt: Lấy 100g lá lốt sắc với 3 bát nước tới khi còn 1 bát thì chắt lấy nước uống khi còn ấm. Lá lốt giúp tán hàn tiêu trừ khí lạnh trong cơ thể. Nó giúp chống viêm, giảm đau.

Tin cùng chuyên mục
Từ 01/7/2025, đóng BHXH thiếu 6 tháng vẫn có thể được hưởng lương hưu

Từ 01/7/2025, đóng BHXH thiếu 6 tháng vẫn có thể được hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 quy định về tỷ lệ đóng BHXH. Theo đó, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, bao gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.